Cùng với Tình Đời, Phận Tơ Tằm là những bài hát viết về cuộc đời của những người theo nghiệp “xướng ca vô loài”. Và cả hai bài hát đều là tác phẩm để đời của nhạc sĩ Minh Kỳ và nhóm nhạc của Lê Minh Bằng (theo một số thông tin tôi tìm hiểu được, nhưng không chắc chắn lắm).
Tình Đời được ký với tên sáng tác là Minh Kỳ - Vũ Chương, cái tên này đã được xác định chính xác là một bút danh trong nhiều bút danh được nhóm nhạc này sử dụng khi sáng tác. Còn Phận Tơ Tằm, bài hát mà hôm nay tôi muốn cùng các bạn nghe lại thì được ký tên sáng tác là Minh Kỳ - Hồ Tịnh Tâm, một cái tên rất lạ.
Có một vài nguồn tin cho rằng đây cũng là một trong những bút danh của nhóm nhạc Lê Minh Bằng, và cũng có người cho rằng đây là một người nhạc sĩ độc lập, nhưng tôi lại không thể tìm được bất kỳ thông tin gì về người có tên là Hồ Tịnh Tâm cả, nên tôi cũng nghiêng về phần thông tin cho rằng đây là một bút danh khác của nhóm nhạc Lê Minh Bằng.
Bộ ba Lê Minh Bằng_ Anh Bằng - Minh Kỳ - Lê Dinh
Bỏ qua vấn đề đó, Phận Tơ Tằm thực sự là một tuyệt tác viết về tâm tư của những người ca sĩ ngày xưa, những người vẫn luôn mang trong mình cái danh “xướng ca” - một nghề nghiệp “thấp hèn” của xã hội (vì bây giờ, mọi người cũng hiểu, ca sĩ đã không còn bị điều tiếng và dèm pha như ngày xưa nữa, mà còn được hâm mộ và săn đón rất nhiệt tình):
Người có thương thân tôi nghệ sĩ
Thì đừng có thương như thương hại đời
Và đừng có nghe khi thiên hạ thường
Gièm pha tôi kiếp xướng ca.
Tất cả những điều đó, đã được nhạc sĩ Minh Kỳ và Hồ Tịnh Tâm phác họa rất rõ ràng qua từng giai điệu và ca từ của ca khúc “Người có thương thân tôi nghệ sĩ/ Thì đừng có thương như thương hại đời” - Người ở đây, có thể là một người mà cô ca sĩ ấy để tâm đến, một người hâm mộ giọng hát của cô, và cũng có thể chỉ là một người khán giả bình thường như bao người khác, là một người mà cô muốn “mượn tạm” để nói lên những tâm tư từ tận đáy lòng mình…
Mời quý vị nghe lại ca khúc “Phận Tơ Tằm” Trình bày: Phi Nhung
Bấm vào giữa hình trên để nghe “Phận Tơ Tằm” Trình bày: Phi Nhung
Cô, là một người ca sĩ, mang tiếng hát của mình đến với Người, với đời. Vậy nên, Người có thương, thì hãy thương thật lòng, chứ đừng thương hại, và cũng “đừng có nghe khi thiên hạ thường/ gièm pha tôi kiếp xướng ca” mà tỏ vẻ cảm thông, mà tỏ vẻ xót thương. Những điều đó, cô không muốn và cũng chẳng cần.
Đêm đêm, người vẫn thường đến nơi đây nơi phòng trà “đèn màu kết hoa, thương yêu mặn mà” và say mê thưởng thức tiếng hát của cô. Nhưng điều mà cô muốn là dù cho người có nghe, có đắm say lời ca ấy, có yêu tiếng hát ấy, thì hãy yêu thương cả cô, yêu thương con người thật của cô, người “xướng ca” đang hát bằng cả tấm lòng, bằng cả đam mê của mình - “Tôi xin người, nhìn lên sân khấu/ Hãy tin tôi hơn lời ca”.
Người đến đây, đêm đêm phòng trà
Đèn màu kết hoa, thương yêu mặn mà
Tôi xin người, nhìn lên sân khấu
Hãy tin tôi hơn lời ca.
Rượu nồng đó người đã say chưa
Ân tình này sao không gắn bó
Đời là những dòng nước vô tư
Ta là thuyền sóng đưa xa bờ.
Vì dù là ca sĩ, cô cũng chỉ là một người con gái giản đơn như bao người khác, cần được thương yêu, cần được nâng niu, cần được trân trọng và cần được chăm sóc mà thôi - Người có hiểu được điều đó không, hỡi Người?! - “Rượu nồng đó người đã say chưa/ Ân tình này sao không gắn bó”.
Cô biết, cuộc đời này vốn dĩ chính là như thế, là “là những dòng nước vô tư”, còn cô chỉ là con “thuyền sóng đưa xa bờ”. Con đường cô đã chọn, cô hiểu là sẽ có rất nhiều, rất nhiều những khó khăn, gian khổ, gièm pha, điều tiếng… nhưng biết làm sao được, đó là niềm đam mê, là tình yêu là khát khao của cuộc đời cô.
Người ngồi đó còn có nghe tôi
Tâm tình đầy vươn lên đắm đuối
Người đừng trách một kiếp cầm ca
Con tằm nào không muốn vương tơ.
Cô đã đem hết tất cả những tâm tư, tình cảm đó gửi trao qua chính giọng ca, tiếng hát của mình , “Người ngồi đó còn có nghe tôi/ Tâm tình đầy vươn lên đắm đuối”. Và cô cũng mong rằng Người sẽ nghe, sẽ hiểu và cũng “đừng trách một kiếp cầm ca”, vì “con tằm nào không muốn vương tơ”? Vì đó chính là nguồn sống, là cuộc đời mà cô ước ao và theo đuổi.
Nên xin Người, mong Người hãy “nói đi như tim người nghĩ”, hãy nói cho cô biết rằng “làm nghề xướng ca tôi mang tội gì?” Tội gì để phải chịu đựng những điều tiếng, những gièm pha? Tội gì để phải chịu sự xa lánh, sự xua đuổi khi rời ánh đèn sân khấu lung linh?
Cô không thể hiểu, không thể nào hiểu được là vì sao. Niềm đam mê của cô, sự khát khao cháy bỏng được cất tiếng ca “Hoạ là có chăng tôi mang tội đời/ Làm cho nhân thế say mê” - Đúng, chính là như thế, là mang niềm vui, mang hạnh phúc, mang những điều tuyệt vời đến với mọi người. Vậy thì tại sao? Tại sao lại mãi gọi cô bằng cái danh “xướng ca vô loài”?
Người nói đi như tim người nghĩ
Làm nghề xướng ca tôi mang tội gì
Hoạ là có chăng tôi mang tội đời
Làm cho nhân thế say mê.
Người nói đi cho tôi một lời
Rằng nghề xướng ca tôi không lạc loài
Tạ ơn người
Phận tằm tôi muôn kiếp vương tơ cho đời vui.
Tại sao vậy? Người hãy nói đi, “nói đi cho tôi một lời” an ủi tâm hồn rằng “nghề xướng ca tôi không lạc loài”. Và cô sẽ mãi “Tạ ơn người”, sẽ mãi say đắm với đam mê của chính mình như là phận tằm “muôn kiếp vương tơ cho đời vui”.
Bấm vào giữa hình trên để nghe “Phận Tơ Tằm” Trình bày: Hương Lan
Tâm tư, tình cảm của một người theo nghiệp cầm ca đã được nhạc sĩ Minh Kỳ và Hồ Tịnh Tâm viết nên một cách hòa hảo qua từng giai điệu và lời ca của Phận Tơ Tằm. Hát bài hát, những ca sĩ có lẽ đã vui, đã hạnh phúc lắm, vì đó chính xác là những điều mà họ nghĩ, họ làm và vẫn đang miệt mài theo đuổi.
Đúng rồi, cứ như vậy, cứ theo đuổi đam mê sẽ có một ngày họ sẽ nhận được những trân trọng, những tình yêu và sự cảm thông từ tận đáy lòng của mọi người, như là của nhạc sĩ Minh Kỳ và Hồ Tịnh tâm đã dành cho họ trong bài hát trên.