Không có nơi nào trên bán đảo Đông Dương lại có vị trí giao thương thuận lợi như Sài Gòn, tuy nhiên, ước muốn xây dựng Sài Gòn thành “thương cảng hàng đầu vùng Viễn Đông” chưa bao giờ được tiến hành “tới bến”. Theo lịch sử ghi nhận lại thì kể từ ngày đô đốc Page mở ra cảng Sài Gòn phục vụ giao thương quốc tế thì tiềm năng của thương cảng này vẫn còn vướng nhiều hạn chế bởi sự thiếu quyết đoán của nhà cầm quyền cùng với nhiều nguyên nhân khác.
Nói đi cũng phải nói lại, nền tảng của sự thịnh vượng ở Sài Gòn chính là sự phát triển của thương cảng. Bởi, Sài Gòn là giao điểm của hai vùng nội địa phì nhiêu: Vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long và vùng đất đỏ Đông Nam Bộ, không quá xa bờ biển, lại có hệ thống sông ngòi kênh rạch nối liền với các miền, sang Campuchia vươn đến tận thủ đô Phnom Penh. Cộng thêm việc Sài Gòn chính là cửa ngõ giao thương quan trọng nhất của toàn xứ Đông Dương. Vậy nên không thể phủ nhận vai trò của thương cảng Sài Gòn trong lịch sử giao thương khu vực Viễn Đông.
Vị trí thuận lợi
Thương cảng được đặt ngay trên sông Sài Gòn, ăn sâu khoảng 80km vào đất liền, dễ dàng tránh được những cơn bão lớn và đặc biệt, nó liên thông với 2.000km luồng lạch lớn chảy qua các vùng đồng bằng, vươn đến tận Phnom Penh. Thêm việc, tại đây có những con sông sâu và rộng nên khi tàu thuyền lớn đi qua có thể cập cảng và tránh khá dễ dàng.
Sau khi người Pháp đến Sài Gòn, họ đã nhận thấy rằng không có nơi nào trên bán đảo Đông Dương có thể sở hữu được một địa thế giao thương thuận lợi như ở Sài Gòn. Do đó, họ luôn mộng ước sẽ xây dựng nơi đây thành “cửa ngõ giao thương quan trọng bậc nhất cho toàn bộ khu vực Đông Dương”.
Khi đã đánh chiếm thành công Gia Định năm 1859, chiến sự vẫn còn nhiều phức tạp và tình hình đất nước còn bất ổn nhưng người Pháp vẫn quyết định thành lập thương cảng Sài Gòn vào ngày 22/2/1860 và đầu tư cho thương cảng bắt đầu hoạt động.
Thương cảng hàng đầu vùng Viễn Đông
Theo tư liệu được ghi nhận lại về Sài Gòn xưa, chỉ một năm sau khi chiếm được Gia Định (tức vào năm 1860) thì chính quyền thực dân Pháp đã cho người xây dựng nên thương cảng Sài Gòn và mang 246 tàu phương Tây cùng thuyền buồm Trung Hoa để vận chuyển hàng hóa đến và đi từ thương cảng Sài Gòn.
– Gạo chính là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, chiếm đến 85% trên tổng số hàng hóa xuất nhập khẩu với số tiền là 5,184 triệu quan Pháp, giá trị hàng nhập khẩu tương đương 1,5 triệu quan Pháp (tại thời điểm đó, 10 quan Pháp = 1 đồng bạc Đông Dương), doanh số mậu dịch trong năm đạt đến 7,7 triệu franc.
– Bên cạnh đó, vì để tạo nên một con đường lưu thông thuận lợi cho tàu thuyền đến cảng, người Pháp đã cho xây dựng nên Hải đăng Saint-Jacques ở Vũng Tàu và đi vào hoạt động từ ngày 15/8/1862.
Số liệu ghi nhận lại vào năm 1862, Sài Gòn đón nhận 117 tàu châu Âu với tổng trọng tải là 53.200 tấn, và có 129 tàu châu Âu rời cảng Sài Gòn mang theo 42.470 tấn gạo, 1.023 kiện bông, 1.764 kiện vải cùng 357 tấn lúa. Ngoài gạo xuất khẩu, cảng còn đưa ra thị trường nhiều mặt hàng khác như cá khô ở Biển Hồ, dầu thực vật, đường mía, rau sấy khô, giòn. Và những năm sau đó, có thêm những “thành viên” khác gia nhập như tơ tằm, muối, đay, gỗ. Việc xuất khẩu gỗ cũng mang lại cho thực dân Pháp không ít lợi ích nên người Pháp quyết định thúc đẩy khai thác gỗ và năm 1864, giá trị xuất khẩu gỗ đã đặt đến con số 11 triệu quan Pháp.
Không những thế, thương cảng Sài Gòn còn tạo ra cơ hội để thúc đẩy những ngành nghề sản xuất trong nước phát triển mạnh mẽ, giúp người dân có thêm việc làm và tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, nguồn lợi lớn nhất vẫn rơi vào tay thực dân Pháp.
Muốn thương cảng phát triển mạnh, đòi hỏi phải có một cơ sở dịch vụ sửa chữa tàu thuyền. Nắm bắt được nhu cầu thiết yếu này mà người Pháp đã cho xây dựng nên xưởng sửa chữa tàu Ba Son – nơi đây quy tụ rất đông các thợ cơ khí lành nghề ở thời điểm đó, ngoài sửa chữa, xưởng vẫn có thể sản xuất và đóng mới các tàu thuyền có trọng tải nhỏ.
Đến năm 1866, tổng trọng tải hàng hóa của thương cảng Sài Gòn đã lên đến con số 600.000 tấn với các mặt hàng xuất khẩu như sau: 100.000 tấn gạo, 2.687 tấn bông, 42 tấn tơ lụa, 150 tấn muối. Điều bất ngờ là, chỉ một năm sau đó, thương cảng Sài Gòn đã xuất khẩu đến 193.000 tấn gạo, tức chiếm gần gấp đôi lượng gạo xuất khẩu năm trước.
Giai đoạn từ 1/7/1866 – 30/6/1867, thương cảng đã đón khoảng 887 tàu thuyền đến gia thương và tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu đã là 53 triệu quan Pháp (đây là con số rất lớn ở thời điểm bấy giờ). Tính đến thời điểm đó (tức năm 1867) thì thương cảng Sài Gòn là một thương cảng phồn vinh và có sức hút lớn so với những thương cảng cùng thời điểm như ở Singapore, Batavia, Manila, và nhanh chóng vươn lên trở thành một trong những thương cảng hàng đầu khu vực Viễn Đông.
Dần không cạnh tranh được
Sau giai đoạn phồn hoa ban đầu, thương cảng Sài Gòn vẫn tiếp tục được đầu tư và phát triển, tuy nhiên, tốc độ lại không bằng những cảng ở Singapore, Hongkong.
Thành phố Sài Gòn bước vào thời kỳ hoàng kim đầu thế kỷ XX khi trở thành thương cảng lớn thứ 8 vùng Viễn Đông – là cửa ngõ ra thế giới cho 75% hàng hóa xuất khẩu của xứ Đông Dương và là nhà sản xuất gạo nhất nhì thế giới. Với ước muốn mở rộng khai thác tài nguyên thuộc địa và vùng nội địa Sài Gòn nên toàn quyền Paul Doumer đã vạch ra một “tham vọng” xây dựng mạng lưới đường sắt tới miền Nam Trung Hoa, Savannaket (Lào), băng qua Phnom Penh tới Battambang mở đường đến với Bangkok – Một hệ thống tương đối giống với những hành lang kinh tế Đông – Tây.
Những tưởng bức tranh kinh tế xán lạn, nhưng không ngờ Sài Gòn lại chẳng thể nào cạnh tranh lại Singapore, Hong Kong và thậm chí là Jarkarta như nhận định của Chủ tịch Phòng Thương mại Sài Gòn E. Dierx trong một thông báo vào năm 1887. Tưởng chừng là ưu điểm, nhưng không ngờ lại trở thành điểm yếu của thương cảng Sài Gòn chính là địa thế cảng nằm sâu trong đất liền, tới 70km đường sông ngoằn ngoèo, cộng thêm chi phí lai dắt vào cảng vô cùng đắt đỏ.
Chính thời điểm này, đã có đề xuất cho di dời cảng Sài Gòn ra Vũng Tàu để gần với đường hàng hải quốc tế nhưng không được chấp thuận. Cũng có ý kiến đề ra là trao cho Sài Gòn quy chế của một thương cảng tự do (đồng dạng để thương cảng trở thành đặc khu miễn thuế xuất nhập khẩu) nhưng phòng Thương mại hiển nhiên không đồng ý.
Chính toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ là Paul Doumer cũng tỏ ra vô cùng tiếc nuối về sự chậm trễ đầu tư hạ tầng để biến Sài Gòn trở thành một trong những thương cảng tốt nhất Viễn Đông. Trong khi đó, chính quyền thuộc địa lại phung phí tiền của vào những công trình kiến trúc bề thế để phô trương sức mạnh của quốc mẫu nên tạo cho Sài Gòn cái danh “Hòn ngọc Viễn Đông” mà hoàn toàn bỏ qua sự tồn tại của thương cảng Sài Gòn.