Chuyện Sài Gòn xưa vẫn còn mãi mãi, nghe mãi không chán, kể mãi không hết.

   

Sài Gòn được hình thành cách đây biết bao năm rồi, từng thời gian, từng khoảnh khắc đều có thể viết nên một câu chuyện dài 6000 từ, huống chi, ngồi nghe kể chuyện….thì biết đến khi nào, mà đặc biệt, mỗi câu chuyện về Sài Gòn luôn có sức hút rất lạ, nó cuốn người nghe vào một thời không đầy màu sắc, dù có kể biết bao lần cũng không thấy chán. 

 

Bắt đầu từ đầu giờ nhỉ? 

Còn nhớ hồi đó, chắc cũng lâu lắm rồi, chắc cũng phải nửa thế kỷ lận. Mấy cái xe hơi có hai cái đèn xe trước, con nào cũng phải có “mắt mèo”, nghĩa là phải sơn ⅓ bên lên trên mặt kiếng của đèn để mấy bác tài xế lái xe đêm không làm chói mắt người đi đường. Vậy đấy, ai mà có ý chơi ác, bật đèn pha soi mắt người đi ngược chiều thì cũng hơi khó à nha! 

 

Đặc trưng của những chiếc xe tắc – xi ngày xưa

Tạm gác cái chuyện xe cộ qua một bên đi, giờ ngồi hồi tưởng lại mấy cái cách người ta đặt bảng hiệu ngày xưa một xíu. Đã có ai thắc mắc, tại sao những Nhà bán thuốc tây xưa chỉ để bảng hiệu là Nhà Thuốc Tây hay có khi là Nhà Thuốc Gác, chứ không ai thấy có một cái tiệm bán thuốc nào để thêm tên riêng như bây chừ chưa? Điểm nhận dạng nữa là hai loại bảng hiệu này luôn luôn là bảng màu xanh đậm và chữ trắng, còn được gắn thêm một cái hộp đèn ký hiệu hình chữ thập, ban đêm bật lên để người đi đường thấy từ xa cho dễ!

 

 

Ví dụ về một “Nhà thuốc gác”

Có ai từng thắc mắc, tại sao có nhiều địa danh dùng chữ “Thới” không, nó mang ý nghĩa gì? Giống như Thới Bình (Cà Mau), núi Châu Thới ( Biên Hòa), Bình Thới (quận 11), Tân Thới Hiệp (chỗ tập lính Quang Trung),….? Đơn giản lắm, tại ở thời điểm đặc những tên đường này là còn dưới thời của vua Thành Thái, “Thái” là kỵ hí của vua nên buộc phải thay chữ “Thái” thành chữ “Thới” để tránh xúc phạm. 

Vua Thành Thái

Nếu mà nhắc đến chuyện học hành của học sinh sinh viên ngày xưa thì phải nói đến ba thứ trường: Trường Công Lập, Trường Tư Thục và Trường Hàm Thụ.

  • Trường Hàm Thụ là dành cho những ai có hoàn cảnh đặc biệt không thể đến trường học được. Thí dụ, người làm công sở, làm nấu nướng ở nhà, cày bừa cuốc bẫm các kiểu…..cứ đăng ký trường này, nhà trường sẽ gửi Bưu Điện bài học, bài tập về tận nhà; ai làm xong thì gửi lại cho nhà trường chấm bài, việc việc sẽ tuần tự và luân phiên như thế cho đến ngày thi. Này như dạng tự học mà có tài liệu trường, ai mà đậu cũng phải nể lắm, có chí cầu tiếng cao!
  • Trường Tư Thục thì học sinh phải “đóng tiền trường” hàng tháng và bằng Tú Tài cũng giống y như học sinh Trường Công Lập.
  • Trường Công Lập là trường công, học sinh không đóng tiền trường suốt 7 năm Trung Học. Đặc biệt, ở thời đó, nam nữ được chia ra học riêng mỗi trường, ví dụ trường Công lập nữ thì có Lê Văn Duyệt, Gia Long, Trưng Vương,…trường Công lập nam thì có Petrus Ký, Võ Trường Toản, Chu Văn An,…Nữ thì mặc áo dài trắng, quần trắng nhìn thướt tha, duyên dáng là bao. Vậy mà có thời “mấy nhỏ áo dài trắng” bắt chước theo ca sĩ Sài Gòn mặc áo dài vạt lửng, tay áo thì kiểu “rặc lăn” là tay áo dài nối vô thân áo. Quả là báo đời mà! Trường nam thì đồng phục là quần xanh áo trắng bỏ thùng,phần miệng túi áo có ghi tên trường hẳn hoi! mấy ông nam thì học chung chẳng có gì thú vị, nên cứ có “tật” lén nhìn những cô nàng của trường nữ sau đó lại xao xuyến lòng một phen. Bởi vậy mới có chuyện, mấy “ông tổ” trường nam “trồng cây si” những cô nàng áo trắng! 
Những nữ sinh trường Gia Long

Còn nhớ trên đường Phan Đình Phùng Sài Gòn 3, kế bên chợ Vườn Chuối có một cái đường rầy xe lửa chạy ngang, bên kia đường rầy thì có căn nhà 3 tầng – Tiệm sách Cảnh Hưng là đây chứ đâu! Chỗ này là chuyên cho mướn sách về nhà đọc, nhưng phải “đóng tiền thế chân”bằng nửa giá tiền sách trên trang bìa, lúc trả sách thì trừ tiền trực tiếp lên tiền thế chân thôi, cứ 1 cuốn, 1 ngày là 1 đồng! Mấy nhà bán sách, mấy tác giả có sách xuất bản, có ai mà vừa lòng tiệm Cảnh Hưng đâu, ông làm như thế thì người ta bán sách kiểu gì được. Sách trong tiệm Cảnh Hưng phải nói là vô số kể, không biết bao nhiêu ngàn cuốn nữa, mà biết là xếp đầy cả các kệ của 2 tầng nhà. Tướng ông Cảnh Hưng nhỏ nhỏ nhưng vui tánh lắm, tụi nhỏ đến mượn sách khoái ông vô cùng! Mà cũng thương tụi nhỏ lắm, cứ thấy mấy ông con nhỏ nhìn mặt cười hì hì là cho mượn hẳn cả tuần lễ, mà giá thứ cứ nói là “ghẽ ghề”, có 2 đồng chứ nhiêu đâu! Bởi vậy, thời đó, tụi nhỏ học trò mê đọc sách Cảnh Hưng là vậy á.

 
Tiệm sách thuê Cảnh Hưng

Ông Cảnh Hưng có trí nhớ siêu phàm lắm, nhanh như cơn gió lốc vậy, nhớ có đợt lại thuê sách, chỉ cần nói tên là ông Cảnh Hưng biết liền luôn:

– Bộ Tam Quốc Chí có 3 cuốn, nhưng khách đang mướn cuốn 1 và 2..

– Ủa? Ông chủ có cả chục bộ lận mà?

– Thì ờ người ta mượn hết ráo rồi, giờ còn cuốn 3. Cuốn 1 và 2 mai trả…

 

– …vậy đi lấy tui cuốn 3 cũng được!

Vậy là ông Cảnh Hưng ra lệnh cho lính lấy sách cho liền: 

– Tèo, mầy lên từng 2 kệ số 7 ngăn 6 lấy cuốn 3 bộ Tam Quốc Chí cho ông Hai!

Đám học trò làm lính lác cho ông, thấy ông nhớ từng vị trí của từng cuốn sách trong hàng ngàn quyển mà xam cả hồn! Ông Cảnh Hưng có quen với nhiều nhà xuất bản, như Yên Sơn (Phú Nhuận) chẳng hạn, khi sách đang trong quá trình in là ông được ưu tiên “chộp” một mớ đem về cho mướn trước, nào mà đủ số sách thì mới phát hành! Bởi vậy, người ta nói đọc sách “nóng hổi” là vậy đó!

 

*  *  *  *  *  *  *  *  *  *  *  *  *  *  *  *  *  *  *  *  *  *  *  *

Sáng sáng Sài Gòn, trên đoạn đường Phan Đình Phùng có xe lấy rác, gắn thêm cái chuông nhỏ cứ len ken lóc cóc nghe cũng vui tai lắm. 

Cuối con hẻm 376 đình Phú Thạnh, chỗ này đám con nít tụ tập đông lắm, tụi nhỏ thích tụ lại thả diều, bắn đạn, vui chơi. Trước nhà số 380 Phan Đình Phùng lại có một cột “phông – tên” nước công cộng. Ở thời đó, có cái nghề “gánh nước thuê” thịnh hành lắm, bà con quanh hẻm có người thì mướn, cũng có người được thuê gánh nước, nên cột nước này lúc nào cũng đông vui hết. Nước phông tên ở đây được chảy từ cái “sa-tô-đô” cũng nằm ở đường Phan Đình Phùng ..ai mà thuộc kiểu người hà tiện, thì khi khát nước, cứ lại phông – tên khòm lưng mở vòi uống chùa. Bà con gọi là “uống nước khum” …nghe có chút lạ, nhưng lại có thiệt đó nha! 

 
Một hình ảnh ví dụ về phông – tên nước và hình ảnh người gánh nước thuê ở những cột phông – tên nước công cộng trên đường Sài Gòn

Chung “phe” với những người gánh nước thuê là mấy người “ở đợ” nhưng gọi cho nhẹ nhàng hơn là “con sen” (được phiên âm từ jeune servante tiếng Pháp, theo nghĩa người giúp việc, người hầu trẻ),sáng sớm phải dậy làm việc sớm, rồi đi gánh nước về cho chủ đổ đầy các chum nước. Mấy chị sáng sớm vừa xếp hàng chờ hứng nước vô thùng, vừa ngâm nga hát tân nhạc véo von, nhưng quanh đi quẩn lại cũng chỉ có vài bài tủ, mấy chị cứ hát riết nghe phát mệt. (Đã vậy, nó còn “cộng hưởng” rồi “trùng tên” với cái vụ con gái rơi của ngài thượng sĩ – tổng thống nước Trung Phi Bokassa – tên cô là Martine Nguyễn. Cô Martine là giọt máu hơi của ngài Tổng thống Bokassa cùng với cô hoa khôi gánh nước thuê Nguyễn Thị Huệ, mà ông BoKassa nhờ báo Trắng Đen tìm dùm, sau đó thì được đưa sang Châu Phi làm nàng công chúa “ngọc ngà châu báu”, một bước lên mây…)

Martine Nguyễn – Nàng công chúa thất lạc của Tổng thống Châu Phi Bokassa làm công nhân bốc vác tại Sài Gòn

Không nhầm thì ở đầu đường Phan Đình Phùng, chỗ tòa nhà số 3 là cái Đài phát thanh Sài Gòn …. Khúc ngã tư đường Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt có tòa đại sứ Miên, bên kia đường lại là cây xăng có tuổi đời khá lâu, hình như là có từ năm 1963 – năm mà vị Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu. Cũng ngay ngã tư đó luôn, có một cái tiệm cơm tàu, đặc biệt là món cơm thố, phải nói là “ngon bá chấy”!, giờ nhớ lại, miệng vẫn còn đọng lại chút hương vị xưa! 

Cơm thố được hấp trong cái xửng tre có cả chục ngăn, thố là chén nhỏ rí, chừng 3 muỗng cơm, vì vậy, ăn xong, thố chất 1 chồng 15 cái cao như núi! Có một số dân chơi cầu Ba Cẳng, loại “tứ hải giai huynh đệ” cũng hay ghé tiệm này, phần thì ăn cơm, phần kia chủ yếu là khoe chồng thố cao cao để “lấy le” với thiên hạ về cái sức ăn của mình ấy mà!

 

Cô Lệ Liễu

Duy Khánh, Hùng Cường, Mai Lệ Huyền, Giao Linh … cũng được “chị Ba Liễu” mời đến hát ở Phòng Trà Lệ Liễu cho khách thưởng thức, phải nói là khán giả đến đông lắm. Thí dụ: Duy Khánh ca bài “Ai Ra Xứ Huế” thì chị ba Liễu “trả công” là 1 ngàn 8…

Nghe kể, có chú lính bận đồ trận bốn túi, đội mũ bê – rê đen, là đệ tử của Thanh Kim, nên cũng bậm gan lắm, dám thót lên cả sân khấu của Lệ Liễu mà hát bài “Đường Xưa Lối Cũ” và bài “Tàu Đêm Năm Cũ”. Chàng lính hát khơi khơi vậy đó, còn trong khi đó những nghệ sĩ ngồi dưới lủ khủ, khung cảnh nói ra có hơi buồn cười. Chàng lính có Thanh Kim lo mà, nên nào sợ trật nhịp, cứ cất tiếng hát thánh thót của mình lên mà làm liên tục mấy bài tân nhạc liền. Chị Ba Liễu nghe coi bộ được được, nên chị tức tốc tiến ra sân khấu, liền móc bóp, xỉa cho chàng 9 trăm đồng gọi là “lính góp vui”, rồi Chị Ba còn xúi….

– Đêm nào, nếu rảnh em tới hát nhen! Lính mà hát hay vậy, được đó!

– Dà dà … !

Còn anh lính, về tới đơn vị là cứ móc xấp tiền ra mà dí dí lên trời khoe cùng anh em đồng đội:

– Bữa nay, tao đãi anh em cả làng một chầu cơm tấm – cà phê – thuốc lá!

– Chắc còn dư bộn tiền đó ông thầy!

– Thì thì Băm 3 mí lỵ tôm khô củ kiệu cho sạch nhách luôn!

– Hoan hô thẩm quyền!

– Hé hé…cho xin chữ ký đi ông khò khò…

 

Nhà soạn giả Nguyễn Phương và đồng nghiệp

Nhỏ nhỏ vậy thôi chứ cũng sành sỏi lắm nha! Cô gái nhỏ cùng ba má ngồi 3 góc trong phòng, đóng làm 3 nhân vật nói chuyện, rồi đánh máy luôn, đó là cách Nguyễn Phương “làm thoại” “lấy câu trẻ con” soạn tuồng cải lương. Nguyễn Phương là đạo diễn cho đoàn Thanh Minh – Thanh Nga và mỗi một tuồng cổ cải lương vậy sẽ được đánh máy ra khoảng 6 – 7 bả, để anh em trong tuồng đứng sau cánh gà hay sau bức màn nhung “nhắc bài” cho Đào Kép đứng ở ngoài sân khấu! Nói vậy chứ cũng nhiều cô Đào học thuộc tuồng lắm, trừ khi nhiều quá, hay khó quá mới cần nhắc thôi! 

Nguyễn Phương còn là trưởng ban kịch Tân Dân Nam, chuyên kịch trên đài truyền hình Sài Gòn chiều thứ bảy hàng tuần, gồm có hề TV, TT, NĐT ..vv … và bà vợ của Nguyễn Phương là chị của phu nhân tướng CVV…Cũng nhờ vậy mà Nguyễn Phương mới có thể ngon ơ mà mượn tàu Hải Quân để đóng phim xi – la – ma! Bộ “Hải Vụ 709”, ban đầu là định quay ở Rạch Giá, nhưng tình hình chiến tranh ác liệt quá nên cứ bị đình chỉ mãi, sau cùng thì bỏ luôn. Nếu không thì anh chàng Thủ Đức đã làm tài tử xi – nê mà đóng vai Trung Úy Hải Quân nhảy xuồng đổ bộ rồi! 

Lại nghe nói, trong lúc ban kịch Tân Dân Nam đang “dợt tuồng” kịch truyền hình vở “Ai Là Thủ Phạm” ở nhà anh Nguyễn Phương. Lúc đó có anh lính được Nguyễn Phương giao cho vai diễn Cảnh sát Trưởng, có cảnh còng tay thủ phạm trộm kim cương nên Nguyễn Phương bắt tập trước cho quen, chứ không lên sân khấu cồng một phát chắc gãy tay con người ta luôn thì khổ! 

Tới lúc đứng trên sân khấu của Đài truyền hình Sài Gòn, chàng cảnh sát Trưởng bước ra ngầu vô cùng, tay chân thoăn thoắt mà móc còng ra làm róp rẻng lắm! Còng tay của người diễn vai trộm, mà tay của người thủ vai đẹp lắm, đẹp như con người đó vậy á, bởi vậy lúc anh cảnh sát tra còng số 8, thấy đau lòng quá trời! 

Lại đi từ ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt, chạy lên thêm tí nữa là Ngã sáu Sài Gòn rồi, chỗ bùng binh này có tuyến đường sắt xe lửa chạy qua, cũng là đầu đường bắt đầu đường Yên Đỗ. Đầu đường có một khu Kiều Lộ (sửa chữa, tráng dầu đường hư), nằm chung khu đó là Sở Phú De đó đa! Chỗ này chuyên nhốt chó chạy rong, sau đó bị “xe bắt chó” chạy ngang hốt được trên đường phố! Ai mà mất chó, cứ vô Phú De tìm là y như rằng nó ngự ở đó và bỏ tiền ra chuộc chó về!

Trong khu Kiều Lộ này có cái cưa bằng tay, bự chà bá, dùng xẻ gỗ lóng. Ở đây có Kỹ Sư Bê và Hồ Lợi và Hồ Lợi là dân chơi tài tử chánh cống bà lang trọc. Trong văn phòng khu Kiều Lộ của Hồ Lợi có tùm lum dụng cụ ca hát tài tử luôn như đờn cò, gáo, xến, guitar thùng, guitar phím lõm treo tá lả trên tường,….cứ nhân viên nào quởn quởn, muốn giải trí chút xíu thì cứ đem ra mà tập vợt thả giàn. Cũng nhờ vậy mà nhiều nghệ sĩ ra đời từ đây đó như Hề Minh và danh cầm Thanh Kim, Tạo Minh Đời… đều xuất thân từ đây! Hề Minh là danh hề diễu có tiếng trên bầu trời Cải lương một thời.

 

Xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa