Hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa ca khúc "Bài Hương Ca Vô Tận" - Trầm Tử Thiêng viết về tình yêu quê hương đang chìm trong khói lửa chiến tranh _ Xưa

   

"Hát nữa đi Hương hát điệu nhạc buồn điệu nhạc quê hương.
Hát nữa đi Hương hát lại bài ca tiễn anh lên đường.
Ngày đao binh chưa biết còn bao lâu,
cuộc phân ly may lắm thì qua mau
Hát nữa đi Hương hát để đợi chờ..."

Đây là những lời ca quen thuộc trong một nhạc phẩm của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng có tên là Bài Hương Ca Vô Tận. Thoạt nghe thì có rất nhiều người sẽ hiểu lầm rằng đây là một ca khúc mà ông viết tặng cho một người con gái nào đó tên Hương. Vì chữ Hương được lặp lại rất nhiều trong bài hát và còn được gọi là em  nên điều đó cũng rất dễ hiểu.

Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng

Nhưng nếu nghe thật kỹ cả bài hát thì có lẽ mọi người sẽ hiểu ra rằng ông chỉ đang mượn nhân cách hóa nhân vật em để diễn tả nên tình yêu của mình đối với Quê Hương mà thôi. Và như danh ca Thái Thanh - người được xem là truyền tải rất tuyệt vời từng cảm xúc của Bài Hương Ca Vô Tận - bà chia sẻ rằng vì may mắn được gần gũi trong sinh hoạt âm nhạc với nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng nên đã giúp bà hiểu hơn về những ca khúc của ông. Và về riêng bài hát này bà có nói rằng: “Trong bài có những câu như “hát nữa đi Hương” nhiều khán giả tưởng Hương là là tên một người con gái, nhưng có nói chuyện với ông mới biết chữ Hương là ông muốn nói đến Quê Hương”.

Bài hát được ông sáng tác vào khoảng năm 1966, khi đó Quê Hương đang còn bị nhấn chìm trong khói lửa chiến tranh, ông không biết được khi nào nó sẽ kết thúc, không biết “ngày đao binh chưa biết còn bao lâu”, nên “Hát nữa đi Hương”. Những khúc hát của Hương là những “điệu nhạc buồn”, những “điệu nhạc quê hương” và là những “bài ca tiễn anh lên đường”. Những cuộc chia ly vẫn đang ngày ngày nối tiếp nhau diễn ra theo tiếng gọi đau thương của Hương, nếu “may mắn” thì nó sẽ qua nhanh thôi, nên điều duy nhất mà chúng ta và cả Hương chỉ có thể là chờ đợi mà thôi.

Hương ơi...sao tiếng hát em,
nghe vẫn dạt dào, nghe vẫn ngọt ngào
Dù em ca những lời yêu đương,
hay chuyện tình gãy gánh giữa đường.
Dù em ca nỗi buồn quê hương,
hay mưa giăng thác đổ đêm trường.

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Bài Hương Ca Vô Tận" Trình bày: Duy Khánh

Bấm vào để nghe ca khúc "Bài Hương Ca Vô Tận" Trình bày: Duy Khánh

Hương với tác giả như là một con người ôm trọn cả đất trời, cả con người và tâm tư của họ. Dù cho Nó có chứng kiến “những lời yêu đương” hay “chuyện tình gãy gánh giữa đường”, chứng kiến “nỗi buồn quê hương, hay mưa giăng thác đổ đêm trường” thì tiếng ca của Hương cất lên “” Đó là nơi chứng kiến “nghe vẫn dạt dào, nghe vẫn ngọt ngào”. Tại sao Hương lại có thể kiên cường đến thế? 

Có lẽ vì Hương không chỉ là một con người bình thường, nhưng cũng được sinh ra bình thường như bao người khác: “Ngày xa xưa em vẫn nằm trong nôi, Mẹ ru em câu hát dài buông lơi”. Em là người chứng kiến tất cả, và cũng chính là người phải chịu nhiều nỗi đau thương nhất. Nhưng nếu như em không còn là Hương của ban đầu nữa mà cũng bỏ cuộc theo thời gian thì những con người nối tiếp nhau sẽ phải làm sao đây? Nếu như Hương bỏ cuộc thì tất cả những con người “yêu em” có lẽ cũng sẽ tuyệt vọng mà buông xuôi hết.

Hát chuyện vai em tóc xõa bồng mềm dịu ngọt môi em.
Hát mãi nghe Hương cho hồng làn da kẻo đời chóng già.
Ngày xa xưa em vẫn nằm trong nôi,
Mẹ ru em câu hát dài buông lơi
Hát để yêu cha ấm lại ngày già.

Hát nữa đi Hương câu nhạc thành nguồn gợi chuyện đau thương.
Hát kể quê hương núi rừng đầy hoa bỗng thành chiến trường.
Đồng tan hoang nên lúa ngại đơm bông,
Thuyền ham đi nên nước còn trông mong.
Khiến cả đêm thâu tiếng em rầu rầu.

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Bài Hương Ca Vô Tận" Trình bày: Thái Thanh

Bấm vào để nghe ca khúc "Bài Hương Ca Vô Tận" Trình bày: Thái Thanh

Dù tiếng hát của em là tiếng hát trong đau thương, tiếng hát khi “quê hương núi rừng đầy hoa bỗng thành chiến trường”, khi đồng lúa “hoang nên lúa ngại đơm bông” nhưng em phải hát - “Hát nữa đi Hương”, hát vì Thuyền còn “ham đi” nên nước sẽ mãi mãi “trông mong”. hát để cho cả đêm thâu sẽ không còn nghe tiếng ai còn “rầu rầu” nữa.

Tiếng hát đó như một lời động viên, lời cổ vũ cho những tâm hồn con người đang chịu những tổn thương vì đất nước, quê hương mình đang phải chịu cảnh chinh chiến đổ máu trong khói lửa. Tiếng hát chính là sự kiên định của những con người đang ngày đêm đi tìm kiếm lại sự tự do, sự yên bình cho chính quê hương của mình. Tiếng hát cũng chính là tiếng gọi, tiếng kêu cứu của quê nhà đang ngày ngày phải gánh chịu những vết thương đầy to lớn. Vì vậy nên hãy “Hát nữa đi Hương, hát đi Hương, hát mãi đi Hương”, tiếng hát ấy vẫn luôn ngọt ngào và hào hùng trong lòng của chúng tôi - của những con người đang sống nơi đây:

Hương ơi, sao tiếng hát em,
nghe vẫn dạt dào, nghe vẫn ngọt ngào
Dù em ca những lời yêu đương,
hay chuyện tình gãy gánh giữa đường.
Dù em ca nỗi buồn quê hương,
hay mưa giăng thác đổ đêm trường.

Hát nữa đi Hương, hát đi Hương, hát mãi đi Hương.

Hình như trước nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng không có một ai sử dụng từ Hương Ca để đặt cho bài hát của mình. Hương Ca của ông cũng không phải là một bài ca bình thường, mà là một “BÀI HƯƠNG CA VÔ TẬN”. Bài hát ấy là bài hát mãi mãi không bao giờ tắt của Quê Hương, nó sẽ kéo dài, kéo dài vô tận - và luôn réo rắt mà da diết trong lòng mỗi con người của chúng ta.