Hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa ca khúc "Chiều Trên Phá Tam Giang" (Trần Thiện Thanh, Tô Thuỳ Yên) - Sài Gòn những ngày giới nghiêm _ Xưa

Phá Tam Giang là một đầm phá rất rộng lớn thuộc địa phận của tỉnh Thừa Thiên Huế xưa (hiện tại là thành phố Huế), nó rộng đến khoảng 52km², trải dài đến 24km, có độ sâu trung bình từ 2-4 m, có nơi sâu đến 7m. Đây cũng là nơi giao thoa của nhiều con sông trước khi đổ ra biển, là nơi thường có sóng to gió, gió lớn vì có nhiều vùng nước xoáy nên thuyền bè qua lại nơi này khá khó khăn. Có lẽ vì vậy nó là hình ảnh thường được sử dụng với ý chí của một người trai trẻ.

Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh

Và đây là lý do mà tôi nhắc đến địa điểm trên: Trong một lần hát chung với ca sĩ Khánh Ly nhạc sĩ Trần Thiện Thanh kể lại rằng: Vào giữa năm 1972, lúc kháng chiến đang trong thời kỳ khốc liệt nhất, mà đỉnh điểm là “mùa hè đỏ lửa” của năm đó. Ông cùng với một số nghệ sĩ khác là nhạc sĩ Phạm Duy, nhà thơ Tô Thùy Yên… và một số người nữa từ Sài Gòn đi thăm vùng đồn điền Quảng Trị - Thừa Thiên. Trong một buổi chiều khi đang ngồi trên trực thăng là là bay trên Phá Tam Giang, ông cùng với nhà thơ Tô Thùy Yên đã nảy ra ý định làm một bài thơ - ca kết hợp về nơi này. Và không lâu sau đó, bài hát “Chiều Trên Phá Tam Giang” được ra đời.

Nhà thơ Tô Thuỳ Yên

Bài hát là câu chuyện tình yêu bị ngăn cách bởi chiến tranh thời cuộc, chàng một nơi và nàng một nơi. Thực ra bài thơ gốc do Tô Thùy Yên sáng tác rất dài, nó không đơn thuần chỉ viết về tình yêu đôi lứa, mà nó còn có những day dứt về thời cuộc, những suy tưởng về số phận của những con người lúc ấy, tràn đầy sự bi tráng và mãnh liệt. Nhưng nhạc sĩ Trần Thiện thanh chỉ chọn ra một vài câu thơ phù hợp nhất để soạn ra một bản tình ca tuyệt mỹ cho “Chiều Trên Phá Tam Giang”:

Chiều trên phá Tam Giang

anh chợt nhớ em

nhớ ôi niềm nhớ ôi niềm nhớ

đến bất tận

em ơi

em ơi

 

Giờ này thương xá sắp đóng cửa

người lao công quét dọn hành lang

giờ này thành phố chợt bùng lên

để rồi tắt nghỉ sớm

ôi Sàigòn Sàigòn giờ giới nghiêm

ôi Sài Gòn Sài gòn mười một giờ vắng yên

ôi em tôi Sài Gòn không buổi tối

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Chiều Trên Phá Tam Giang" Trình bày: Nhật Trường - Khánh Ly

Bấm vào để nghe ca khúc "Chiều Trên Phá Tam Giang" Trình bày: Nhật Trường - Khánh Ly

Mời quý vị xem thêm: 👉Những ca khúc trước năm 1975 viết về thành đô Sài Gòn hay nhất👉

Chàng trai đứng “trên phá Tam Giang” vào một buổi chiều và “chợt nhớ em”. Nỗi nhớ cứ thế ùa về như nắng chiều được gom về một mối, một nỗi nhớ “đến bất tận”, Và chàng hình dung về nơi xa ấy - Sài Gòn, nơi có hình bóng em luôn hiện hữu. Cái nơi vốn tấp nập của ngày xưa giờ cũng đã im lìm trong “giờ giới nghiêm”.

Hình ảnh của cô gái cứ thế hiện ra rõ mồn một trước mắt của chàng trai. Có thể giờ này “trời đang nắng”, “em rời thư viện đi rong chơi”,e đang “nghĩ đến ngày thi tương lai thúc hối” và cả “nghĩ tới anh”. Cũng có thể giờ này “trời đang mưa”, “em đi dưới hàng cây sướt mướt”, và em sẽ đi “vào quán nước quen” nơi mà “chúng ta thường hẹn” và rồi cũng “ bập bềnh buông tâm trí, trên từng đợt tiếng lao xao”. Có thể thấy rằng anh ấy rất hiểu cô gái, dù là nắng, hay mưa anh cũng mường tượng ra được cô sẽ đi đâu, làm gì và nghĩ như thế nào. Tình yêu đơn giản chỉ thế thôi, là hình ảnh bình dị của đối phương luôn in sâu vào tâm trí, là sự thấu hiểu, sự cảm thông, và sự chung thủy một lòng hướng về nhau dù cách xa vạn dặm.

Giờ này có thể trời đang nắng

em rời thư viện đi rong chơi

hàng cây viền ngọc thạch len trôi

nghĩ đến ngày thi tương lai thúc hối

căn phòng nhỏ cao ốc vô danh

rồi nghĩ tới anh

rồi nghĩ tới anh

nghĩ tới anh

 

Giờ này có thể trời đang mưa

em đi dưới hàng cây sướt mướt

nhìn bong bóng nước chạy trên hè

như đóa hoa nở vội

giờ này em vào quán nước quen

nơi chúng ta thường hẹn

rồi bập bềnh buông tâm trí

trên từng đợt tiếng lao xao

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Chiều Trên Phá Tam Giang" Trình bày: Nhật Trường - Thanh Lan

Bấm vào để nghe ca khúc "Chiều Trên Phá Tam Giang" Trình bày: Nhật Trường - Thanh Lan

Cô gái ngây thơ, bình dị và trong sáng nơi quê nhà ấy, sẽ mãi mãi “nghĩ tới anh” với niềm tin một ngày sẽ được gặp lại. Nhưng nếu “giờ này thành phố chợt bùng lên” thì có lẽ em sẽ không ngăn được nước mắt, không ngăn được sự lo sợ mà nghĩ đến “một điều em sợ không dám nghĩ”, nghĩ đến “một người đi giữa chiến tranh” đó chính là anh. Sợ rằng chiến tranh sẽ ngăn cách họ vĩnh viễn, anh sẽ vĩnh viễn không trở về. Điều đó làm cho lòng anh càng thấy xót thương và nỗi nhớ về cô cũng cứ thế mà lớn dần.

Giờ này thành phố chợt bùng lên

em giòng lệ bất giác chảy tuôn

nghĩ đến một điều em không rõ

nghĩ đến một điều em sợ không dám nghĩ

đến một người đi giữa chiến tranh

lại nghĩ tới anh

lại nghĩ tới anh

nghĩ tới anh…

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Chiều Trên Phá Tam Giang" Trình bày: Lê Uyên - Thiên Kim

Bấm vào để nghe ca khúc "Chiều Trên Phá Tam Giang" Trình bày: Lê Uyên - Thiên Kim

Những tình cảm ấy thật đẹp biết bao nhiêu, đó chính là sự thấu hiểu của những người lính về những người ở lại, những người ở hậu phương luôn trông ngóng họ từng ngày, từng giờ. Những người đó họ chỉ biết sống trong sự chờ đợi mỏi mòn, trong sự lo sợ chia cắt. Nhưng vì thế họ cũng luôn nuôi dưỡng một niềm tin, một tình yêu tươi đẹp nhất.

“Chiều Trên Phá Tam Giang” có lẽ không phải là một ca khúc quá nổi tiếng của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, nhưng nó sẽ luôn là một tường thành vững chắc nhất về một tình yêu đẹp như mơ mà ai cũng mong ước.