Hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa ca khúc "Đường Xưa Lối Cũ" - Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ “Kính tặng mẹ và tặng em” _ Xưa

Hoàng Thi Thơ là một người con của mảnh đất đầy nắng gió Triệu Phong, Quảng Trị. Ông được sinh ra trong thời loạn lạc, nên với chí trai phơi phới ông cũng như bao người khác. Mang trong con tim tình yêu đất nước, ông bỏ lại sau lưng làng quê yên bình và thơ mộng. Nơi có người mẹ già và cô em gái mà ông yêu quý để lên đường theo chân kháng chiến. Dù ra đi nhưng những hình ảnh đó luôn in hằn trong tâm trí ông suốt 10 năm ra đi. 

Khi có dịp được trở lại quê hương (Làng Bích Khê, Quảng Trị), trong ông luôn mường tượng ra cảnh đẹp quê hương lúc thơ ấy, sẽ có người mẹ với nỗi nhớ, với sự trông ngóng chào đón ông. Và cả người em gái thân thương cũng vậy. Nhưng sự thật luôn khiến người ta bàng hoàng và đau xót. Với nỗi nhớ và nỗi đau ấy, ông đã sáng tác ca khúc “Đường Xưa Lối Cũ”. Trong tờ nhạc xuất bản trước năm 1975, ông đã đề bút dưới tựa đề bài hát là “ Kính tặng mẹ và tặng em”

“Đường xưa lối cũ có bóng tre, bóng tre che thôn nghèo.

Đường xưa lối cũ có ánh trăng, ánh trăng soi đường đi.

Đường xưa lối cũ có tiếng ca, tiếng ca trên sông dài.

Đường xưa lối cũ có tiếng tiêu, tiếng tiêu ru lòng ai.

 

Đường xưa lối cũ có em tôi tóc xanh bay mơ màng.

Đường chiều dịu nắng bóng em đi áo nâu in đường trăng.

Đường xưa lối cũ có mẹ tôi run run trong hôn hoàng.

Lòng già thương nhớ, nhớ đến tôi lom khom đi tìm con.”

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ

Trong đoạn nhạc mở đầu, hình ảnh quê hương thơ mộng của ông dần hiện ra như một bức tranh. Thời thơ ấu ấy hiện về y nguyên trong tâm trí ngày ông trở về. “Đường xưa lối cũ”  một con đường đã quá quen thuộc, có “bóng tre che thôn nghèo”, có “ánh trăng soi đường đi”, có “tiếng ca trên sông dài”, và có “tiếng tiêu ru lòng ai”. Những người thân quen cũng cứ thế hiện ra trong sự hân hoan chờ đợi gặp gỡ của ông. Có “em tôi tóc xanh bay mơ màng” và tất nhiên là có cả “mẹ tôi run run trong hôn hoàng” cùng lòng thương nhớ, trông ngóng người con là ông. Nghĩ đến là lòng ông lại “bồi hồi trong nắng”:

  “Khi tôi về, bồi hồi trong nắng.

Tưởng gặp người em hân hoan đứng đón anh về.

Nào ngờ người em sang ngang khi xuân chưa tàn.

Con đò nào đây đưa em tôi vào xa vắng.

Khi tôi về, nghẹn ngào trong nắng.

Tưởng gặp mẹ tôi rưng rưng đứng đón con về.

Nào ngờ mẹ tôi ra đi bên kia cuộc đời.

Không lời biệt ly cuối cùng trước khi phân kỳ.”

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Đường Xưa Lối Cũ" Trình bày: Thái Thanh

Bấm vào để nghe "Đường Xưa Lối Cũ" Trình bày: Thái Thanh

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Đường Xưa Lối Cũ" Trình bày: Thanh Tuyền

Bấm vào để nghe "Đường Xưa Lối Cũ" Trình bày: Thanh Tuyền

     Tưởng rằng sẽ được gặp gỡ những người thân yêu nhất, nhưng không ai đoán được chữ ngờ. Em gái ông đã: “sang ngang khi xuân chưa tàn”. Khi chưa biết hoàn cảnh sáng tác bài hát này, tôi đã tưởng rằng ông đau lòng vì người con gái trong lòng mình đã đi lấy chồng. Hóa ra, đây vốn là tình cảm của một người anh trai sau 10 không được gặp em gái, cũng không biết cuộc sống của cô ấy bây giờ ra sao, ở đâu: “Con đò nào đây đưa em tôi vào xa vắng”. Đau hơn nữa là mẹ ông đã “ra đi bên kia cuộc đời”. Bà đã không thể chờ đợi được đến ngày con trai mình trở về, ông cũng không biết rằng mẹ mình đã ra đi như thế nào. Không một lời “biệt ly cuối cùng trước khi phân kỳ”, sự nuối tiếc, đau thương trong lòng ông trào dâng. Và có lẽ đó cũng là tâm trạng của người mẹ đã ra đi khi không được gặp con mình lần cuối ấy:

   “Chạnh lòng thương nhớ những phút xưa, phút xưa qua qua rồi.

Lạnh lùng tưởng nhớ bóng dáng ai in sâu trong lòng tôi.

Đường xưa còn đó, nắng vẫn lên, vẫn trăng treo ven đồi.

Mà hình bóng cũ thiếu trong tôi mỗi khi nghe chiều rơi.”

Từ giờ phút ấy ông chỉ có thể hồi tưởng những hình bóng thân quen ấy. Nó sẽ in sâu hơn trong lòng ông bởi nỗi nhớ, sự tiếc nuối và tình yêu gia đình.Mọi thứ vẫn thế, vẫn lạnh lùng đứng đó. Chỉ có “ hình bóng cũ thiếu trong tôi mỗi khi nghe chiều rơi”. 

Sự thật luôn tàn nhẫn như thế, lạnh lùng như thế. Chúng ta ai rồi cũng phải học cách chấp nhận chúng mà thôi. Chỉ có thể nhớ nhung trong lòng, chỉ còn lại trong hồi ức. Nhưng Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ lại khác, ông không chỉ như chúng ta, ông còn lưu giữ nỗi nhớ sâu đậm ấy vào trong lời ca. Và nó đã sống mãi theo thời gian, cho đến tận bây giờ cái nỗi nhớ da diết mà day dứt ấy vẫn luôn được cất lên một cách thiết tha nhất.