Khám phá Hòn Ngọc Viễn Đông những năm 1970 – 1971 - Kí ức xưa
Ký ức về “Hòn ngọc Viễn Đông” chưa bao giờ là cũ đối với những người con Sài Gòn – Nào là chợ hoa Tết ở đại lộ Nguyễn Huệ, chiếc đồng hồ biểu tượng thành phố ở Chợ Bến Thành, những chiếc xe taxi “con cóc” di chuyển khắp nẻo đường Sài Gòn,…gợi lên cho chúng ta biết bao cảm xúc. Thêm lần nữa! Hãy cùng với Thời Xưa hoài niệm về những ngày Sài Gòn năm 1970 – 1971 qua loạt ảnh của nhiếp ảnh gia Sandy1618:
Hình ảnh tháp đồng hồ ở cửa nam của chợ Bến Thành được xem là biểu tượng không chính thức của Thành phố. Xuất xứ của cái tên “Bến Thành” là do vị trí trước đó của chợ là nằm bên bờ sông Bến Nghé, cạnh một bến sông gần thành Gia Định. Chợ cũ Bến Thành đã có từ trước cả khi người Pháp xâm chiếm Gia Định, nhưng đến năm 1911, ngôi chợ trở nên cũ kỹ và lâm vào tình trạng có thể bị sụp đổ.
Để tránh tai họa, người ta phải phá chợ, chỉ còn gian hàng thịt, vì mái tôn nhẹ, nên chưa bị phá. Đồng thời, người Pháp cũng lựa chọn một địa điểm để xây cất một khu chợ mới lớn hơn để phục vụ nhu cầu buôn bán sầm uất ngày càng phát triển. Địa điểm được lựa chọn nằm gần ga xe lửa Mỹ Tho (nay là Bến xe Sài Gòn), tức là địa điểm chợ Bến Thành ngày nay.
Đây không phải là nhà hàng sang trọng nhất ở khu vực quận 1, Sài Gòn – Nhưng nó lại là nhà hàng nổi tiếng nhất từ trước năm 1975. Nhà hàng này thường neo đậu bên bờ sông Sài Gòn tại bến Bạch Đằng, bên cạnh cột cờ Thủ Ngữ tại khu vực trung tâm của quận 1. Sức chứa lên tới 250 thực khách, đây được xem là một trong những nhà hàng quy mô lớn nhất Sài Gòn trước năm 1975. Khách hàng chủ yếu của nhà hàng chủ yếu là nhân viên quân sự Mỹ cùng với những quan chức của chế độ Sài Gòn. Một điều đáng tiếc là, sau năm 1975, nhà hàng lừng danh một thời của Sài Gòn đã chính thức chấm dứt sự tồn tại.
Hynos của những năm 1960 – 1970 không chỉ là thương hiệu độc chiếm thị trường miền Nam Việt Nam mà còn vang danh sang nhiều nước khác ở khu vực Đông Nam Á. Ban đầu, Hynos là một cơ sở sản xuất nhỏ của một ông chủ người Mỹ gốc Do Thái, sau này được nhượng lại thương hiệu cho ông Nghĩa. Chỉ trong vòng 10 năm, ông Huỳnh Đạo Nghĩa đã đưa thương hiệu Hynos phát triển nhanh chóng, “qua mặt” các nhãn hàng quốc nội xuất hiện từ trước như Perlon, Leyna và thậm chí là các nhãn hàng ngoại nhập như Colgate (Mỹ), C’est it (Pháp).
Tuy nhiên, đến năm 1975, hãng Hynos được bàn giao lại cho Nhà nước, sáp nhập với Công ty Kolperlon thành Xí nghiệp Kem đánh răng Phong Lan. Sau đó liên doanh với các công ty nước ngoài và đổi tên thành công ty Hóa phẩm P/S.