Lý giải nét đặc trưng của bốn quận nổi tiếng Sài Gòn xưa, qua câu nói: “Ăn quận 5, nằm quận 3, xa hoa quận 1, trấn lột quận 4” _ Xưa

   

Chỉ trong 14 chữ ngắn ngủi, câu nói đã khéo léo gói gọn đặc trưng của bốn quận nổi tiếng nhất Sài Gòn xưa. Quận 5 nổi danh với ẩm thực phong phú, quận 3 được mệnh danh "phố ngủ" yên bình, quận 1 sang trọng đẳng cấp, còn quận 4 là nơi buôn bán sầm uất, sôi động. Bốn quận khác nhau nhưng đều để lại dấu ấn riêng trong lòng người Sài Gòn xưa

“Ăn quận 5”

 

Nếu người Trung Quốc ngày xưa có câu nói: “Ăn ở Quảng Châu, mặc đồ Hàng Châu, lấy vợ Tô Châu và chết ở Liễu Châu” (Tức là muốn ăn ngon ãy đến Quảng Châu, muốn thưởng thức lụa đẹp phải ghé qua Hàng Châu, Tô Châu thì nổi tiếng với những cô gái vô cùng xinh đẹp còn về phần Liễu Châu thì có loại gỗ đóng quan tài rất lâu bị mục). Trong bốn yếu tố này, cái “ăn” được người Trung Quốc đặt lên hàng đầu, bởi đó cũng là một cách để tận hưởng cuộc sống. Thủ phủ Quảng Đông được mệnh danh là “kinh đô mỹ vị”, bởi đó là nơi giao thoa giữa nhiều tinh hoa ẩm thực của Trung Quốc và thế giới. Ở hàng trăm năm trước, đã rất nhiều người Quảng Đông di cư sang Việt Nam, đặc biệt là khu vực Chợ Lớn.

Từ quận 5, có rất nhiều quán hàng rong đã lan dần sang các quận khác và rất được người Việt ưa thích. Học sinh tự tập ở khu vực cổng trường sau có thể bỏ qua món bột chiên chảo phẳng, món phá lấu béo ngon thơm lừng ăn kèm với chút bánh mỳ thì “miễn chê”. Không phải chỉ có người Việt mới thích những món ăn bình dân thế này, thậm chí là người nước ngoài ăn mặc sang trọng, đứng ngay vỉa hè mà “ăn lấy ăn để” từng xâu phá lấu.

Ngoài ra còn có món “ngầu dìn” hay ngưu viên, mà người Việt vẫn thường gọi là bò viên, chấm với chút tương ớt cay cay, chua chua, ngọt ngọt. Món hủ tiếu xào của người Hoa đã quá nổi tiếng rồi, nhưng sợi hủ tiếu của họ không nhỏ như của ta mà nó có phần to bản như sợi phở. Thêm vào một món trong thực đơn là món mì xào giòn, ăn nhanh lúc mì còn giòn, thêm một chút nước sốt khiến cho sợi mì thêm chút độ mềm, ta có thể cảm nhận được sự hài hòa, dai dai nhưng vẫn xốp xốp trong miệng.

Không phải chỉ có những gánh hàng rong, quận 5 cũng tràn ngập những con phố nổi tiếng với những tiệm ăn chuyên bán món độc như Hà Tôn Quyền nổi tiếng với hoành thánh và sủi cảo, còn có phố bán đủ loại những món ăn được đặt san sát nhau như lẩu hải sản, cơm gà, lưỡi heo dưa cải, cháo Tiều, hủ tíu sa tế, bánh bao, xíu mại, há cảo…..

 

Ở quận 5 cũng có những nhà hàng ăn uống khác biệt hoàn toàn so với những quận khác, đó chính là thứ ánh sáng màu đỏ nhấp nháy cùng với nội thất trang trí cũng được phủ một màu đỏ rực từ cột kèo, tường mái,….bởi người Hoa quan niệm, màu đỏ là màu của sự may mắn. Vốn sở thích của người Hoa là ăn uống trên lầu, mà không phải chỉ có một lầu hay hai lầu, thậm chí là đến 5-7 lầu như Đồng Khánh, Ái Huê, Soái Kình Lâm, Bát Đạt, Á Đông,…Những quán ăn này, cứ tối đến là y như rằng sẽ đông nghẹt khách đến ăn uống.

Món Quảng Đông ở khu quận 5 mặc dù rất nhiều, nhưng cũng không thể phủ định sự đóng góp của những món ăn khác đến từ những vùng ẩm thực khác như vịt quay Bắc Kinh, cơm chiên Dương Châu, sò huyết Tứ Xuyên, vịt rút xương Triều Châu, cơm gà Siu Siu (Hải Nam)……Một Việt kiều Mỹ đã từng bảo rằng: “Bên đó nhiều nhà hàng Hoa nhưng ăn không đã bằng quán Chợ Lớn. Về Việt Nam chơi, tôi toàn nhờ người quen đưa đi ăn Chợ Lớn hằng đêm. Một phần vì quen khẩu vị tuổi thơ gắn bó, phần nữa là nguyên liệu, như cơm gà Siu siu (Hải Nam) ở Mỹ thịt gà sao ngon được như gà ở Việt Nam”.

Một trong những bí hiểm tạo nên sự nổi tiếng của các nhà hàng Chợ Lớn là bắt chước theo mô hình “Nhất dạ đế vương” của Hồng Kông – Tuyệt vời thế nào nếu được “làm vua một đêm cho thỏa thích”. Tuy nhiên, lại có không quá nhiều nhà hàng thực hiện theo mô hình này bởi cái giá phải trả để làm vua quá đắt, không có quá nhiều khách có nhu cầu. Có lời đồn đoán rằng, đã từng có một tỉ phú tên Lý Long Thân chi 4 triệu đồng để chiêu đãi tướng Bình Xuyên Bảy Viễn để có được một đêm “Nhất dạ đế vương”, ở thời điểm ấy, 4 triệu là con số không hề nhỏ.

Trong số nhà hàng nổi tiếng với loại hình này là Bát Đạt, Đại La Thiên và Arc-en-ciel (nay là Thiên Hồng) – Những nơi đây vốn chỉ dành cho những đại gia, xì thẩu đến để ăn uống, bàn bạc chuyện làm ăn kinh doanh hoặc đầu cơ tích trữ.

 

Còn thời điểm của hiện tại, người Hoa đã không chỉ tập trung ở quận 5 nữa mà tản sang rất nhiều quận khác, thậm chí là những vùng miền khác, tuy vậy, hệ thống ẩm thực ở quận 5 vẫn không ngừng “bành trướng” và ngày một nổi tiếng hơn. Thêm vào đó là những khu phố ăn uống mới được mở ra như phố chè Thái Nguyễn Tri Phương, phố trái cây dĩa Nguyễn Cảnh Chân… bởi Sài Gòn của bây giờ đông đúc hơn nhiều so với những năm trước 1975.

“Nằm quận 3”

Khi người Pháp đánh chiếm thành công thành Gia Định, họ đã đặt nền móng thuộc địa cho xứ sở này. Xây dựng nhà thờ Đức Bà ở vị trí cao nhất của thành phố trên đỉnh một ngọn đồi. Gần đó thì dựng nên một dinh Thống đốc làm nơi ở cho Thống đốc Nam Kỳ thời bấy giờ, sau này nơi đay đổi thành dinh Norodom (tức là Dinh Độc Lập bây giờ). Từ vị trí của hai công trình mà người ta tiến hành quy hoạch hai con đường chạy xuống chân đồi, thẳng hướng sông Sài Gòn và rạch Bến Nghé, tạo thành hai trục đường chính, gọi là trục Cardos và Dominius. Từ đây, người ta mới bắt đầu mở rộng những con đường khác, xây dựng nên khu trung tâm hành chính, và cũng chính là quận 1 sau này.

Còn hướng về phía Bắc của ngọn đòi, chủ yếu là nơi ở của những viên chức Pháp hoặc người Việt. Rất nhiều dinh thự, biệt thự được xây dựng với đầy đủ kiểu dáng vô cùng đa dạng, chính là khu vực quận 3 ngày nay.

 

Khu vực quận 3, hội tụ đầy đủ ba trào lưu kiến trúc của Sài Gòn:

  • Kiến trúc bản địa: Là lối kiến cổ khi còn thuộc địa phận của thành Gia Định xưa, nguyên liệu chủ yếu bằng gỗ và gạch như tòa nhà gỗ (dinh Tân Xá) trong khuôn viên tòa Tổng Giám mục Sài Gòn…
  • Kiến trúc Đông Dương, hay còn gọi là kiến trúc thuộc địa: Là lối kiến trúc kiểu Pháp cổ, được xây dựng bằng bê tông cốt thép, màu sắc chủ yếu là vàng hoặc trắng với đa dạng kiểu dáng như cụm biệt thự cổ trên đường Tú Xương của Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, dinh Phó Tổng thống ở cuối đường Lê Quý Đôn (nay là Nhà thiếu nhi Thành phố), trường Trung học Nữ sinh Gia Long, Trường Marie Curie…..
  • Kiến trúc hiện đại của những năm thập niên 1960, hay còn gọi là kiến trúc nhiệt đới: Phần lớn là những kiến trúc theo lối hiện đại, được thiết kế phù hợp với điều kiện khí hậu của miền Nam Việt Nam. Lối kiến trúc này tạo nên được sự thông thoáng thông qua thiết kế nhiều cửa sổ và bông gió, vừa mát mẻ lại có thể che được nắng, đồng thời tạo thành vật trang trí cho toàn công trình. Ví dụ như những ngôi biệt thự trên đường Yên Đổ (nay là đường Lý Chính Thắng), đường Bà Huyện Thanh Quan…

Không chỉ xuất hiện những ngôi nhà với lối kiến trúc độc đáo ở mặt tiền của quận 3, thậm chí là những con hẻm nhỏ cũng được tạo nên một nét riêng khi sở hữu nhiều ngôi biệt thự độc đáo. Đây mới đúng là lối sống của người thích yên tĩnh, không bị làm phiền bởi những tiếng ồn ào xe cộ. Điển hình là đường Duy Tân, nổi tiếng với những con hẻm cụt biệt thự, đây cũng là nơi cư ngụ của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như: Trịnh Công Sơn, Bạch Tuyết, Thẩm Thúy Hằng……Việc mua biệt thự tại quận 3 ngày trước cũng được xem là cách để người giàu có khẳng định được địa vị của mình, cũng như tận hưởng không gian sống “hoàn hảo”.

Là khu vực với nhiều biệt thự rộng để sinh sống, quận 3 được trồng rất nhiều cây xanh với tán lá dày để che mát. Khác với những nơi khác, cây cối ở quận 3 thuộc loại cao vút và có bóng tỏa rộng trên đường. Nhờ đó, dù có chạy xe giữa trưa nắng trên những con đường quận 3 cũng có cảm giác mát rười rượi. Thêm vào đó, trên những cung đường quận 3 cũng rất ít những hàng quán, cửa hàng, xe cộ qua lại cũng thưa nên giảm được tiếng ồn của những máy xe, cộng thêm độ phủ mát của hàng cây xanh ven đường – Tất cả đã tạo nên một quận 3 vô cùng tĩnh lặng và êm ái, dường như tại đây, thời gian như trôi chậm đi.

Dù trước hay là sau năm 1975, những hàng cây xanh rợp bóng trên những cung đường quận 3 vẫn tạo nên những xúc cảm đặc biệt cho rất nhiều nhạc sĩ. Nhẩm theo từng lời hát êm ái theo từng vòng xe quay, lòng chợt cảm thấy nhẹ nhàng khôn xiết, thấy cuộc sống này bỗng trở nên tươi đẹp một cách lạ lùng.

 

Trải qua hai kiếp nạn lịch sử, quận 3 cũng có nhiều sự thay đổi về dáng hình và cả hai lần đều là thời điểm sau giải phóng đất nước. Lần đầu tiên là sau ngày 30/4, khi tiếng súng nổ ầm ầm ở phía Nam Trung Bộ, những chủ cũ nơi đây lũ lượt kéo nhau di tản sang nước ngoài, những ngôi nhà vắng chủ – số được trưng dụng, số thì được phân lại cho chủ mới. Thời điểm này, nền kinh tế đất nước cũng đang xuống dốc, nhiều căn biệt thự bị hủy hoại bởi chính những chủ nhân mới, trong nhếch nhác vô cùng, rất hiếm tòa nhà có thể giữa được vẻ đẹp nguyên thủy của nó.

Sau khoảng 20 năm, khi nền kinh tế dần hồi phục, thành phố lại bắt đầu xuất hiện những nhà giàu mới. Một số biệt thự sang tay mới dần được tu sửa và trả lại vẻ đẹp ban sơ, trong đó cũng có không ít ngôi biệt thự ở quận 3 bị sửa chữa biến đổi thành những công năng khác. Không còn là nơi để ở mà trở thành nơi kinh doanh, thậm chí có nơi còn bị phá bỏ hoàn toàn và dựng xây nên những cao ốc. Với sự gia tăng chóng mặt ấy, chẳng bao lâu, từ một quận 3 yên bình đã trở thành chốn thị thành náo nhiệt như bao quận khác.

“Xa hoa quận 1”

Ngay từ những ngày tháng đầu tiên khi thực dân Pháp chiếm đánh Sài Gòn, đã có ý muốn biến khu vực vực quận 1 thành mô hình “Paris thu nhỏ”. Đặc trưng là những con đường rộng lớn, không phải là phố, mà là đườn, đó là chưa kể đến những con đường lớn còn được gọi là đại lộ. Đại lộ Trần Hưng Đạo nối từ Sài Gòn vào Chợ Lớn; đại lộ Hai Bà Trưng nối quận Nhất với Phú Nhuận hay chuỗi ba đại lộ Lê Lợi – Nguyễn Huệ – Hàm Nghi khép kín tạo thành một “tam giác vàng” với những công trình mọc lên phục vụ cho mục đích kinh doanh kín xung quanh.

 

Quận 1 là khu vực trung tâm thành phố, nằm sát với bờ sông Sài Gòn và rạch Bến Nghé – Đây vốn là nơi thuyền bề chuyên chở hàng đặc trưng cho giao thông miền Nam. Sẽ chẳng ngạc nhiên khi sát nơi phồn hoa đô hội như quận 1 lại có chợ Cầu Muối – Một khu chợ đầu mối rau quả lớn với các hoạt động buôn bán, vận chuyển nông sản rầm rộ. Cách đó chưa đầy 500m lại có chợ Bến Thành – Một trong những biểu tượng của thành phố Sài Gòn. Chếch khoảng 300m trên đường Hàm Nghi là khu chợ Cũ, nói là chợ Cũ nhưng toàn bán hàng mới, hàng xịn, phần lớn là những nhu yếu phẩm nhập khẩu đắc tiền.

Khoảng năm 1967, thời điểm thành phố còn đang trong thời chiến nhưng lại xuất hiện mô hình siêu thị, khiến cho người dân Sài Gòn vô cùng hoan hỉ. Lưu ý, thời điểm này, thủ đô Băng Cốc của Thái Lan vẫn chưa triển khai loại hình phục vụ này.

Sài Gòn của những ngày cũ, người dân giải trí chủ yếu là phim ảnh, ca nhạc, sân khấu. Cụm rạp đầu tiên được giới thiệu là Rex, sau đó là hai cụm rạp Mini Rex. Ngoài ra, còn có các phòng trà, một hình thức giải trí dành cho giới trung lưu và thượng lưu, nơi làm nên tên tuổi của các danh ca: Khánh Ly, Thanh Thúy,….Một số phòng trà nổi tiếng có thể kể đến như Queen Bee, Tự Do, Ritz, Maxim’s, Đêm Màu Hồng với các ban nhạc tên tuổi và giọng hát ngôi sao đều được đặt tại quận 1.

Có thể nói, hầu hết những dinh thự, những ngân hàng, công ty, trung tâm thương mại,…..được trang hoàng lộng lẫy đều tập trung hết tại quận 1. Các công trình kiến trúc xưa như nhà hát, sân khấu, phòng trà, quán bar,….cũng chiếm số lượng lớn. Dù là ban ngày hay là ban đêm thì nơi đây đều nhộn nhịp và rộn ràng, cứ như một thành phố “không ngủ”. Những ngày lễ hội, hay có một chương trình lớn nào đó, người người từ tứ xứ đều đổ về đây để được chiêm ngưỡng và thưởng thức những màn biểu diễn ca múa nhạc của rất nhiều ngôi sao. Bởi thế mới có câu nói “Xa hoa quận 1”.

“Trấn lột quận 4”

Quận 4 và quận 1 chỉ cách nhau một con rạch – Rạch Bến Nghé, chỉ cần bước qua cầu Ông Lãnh hoặc cầu Calmette,….chính là bước qua một thế giới khác. Sự phân biệt rõ rệt giữa: Giàu có và nghèo khó, sang trọng và bần hàn, sắc màu và u tối…Nếu ở quận 1 có những con phố rộng lớn cùng những tòa nhà cao tầng đẹp đẽ thì hướng nam về quận 4 lại là một sự đối lập không nói nên lời.

Trong các bản quy hoạch Sài Gòn – Chợ Lớn giai đoạn 1940 – 1954, cho đến bản quy hoạch Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn sau này đều không hề nhắc đến khu vực quận 4, ngoại trừ việc nhấn mạnh – nơi đây sẽ là nơi phát triển hải cảng. Hầu hết các phương án phát triển thành phố đều muốn mở rộng chiều hướng sang hướng bắc và đông bắc, cùng hướng tây và tây bắc bởi đó là khoảng đất có nền cao ráo và cứng. Trong khi khu vực phía nam lại có nhiều hạn chế khi chủ yếu là kênh rạch, vùng trũng và còn là nơi thoát triều của Sài Gòn. Vì vậy, trên bản đồ xưa, quận 4 chỉ có rẻo đất ven sông Sài Gòn là nơi xây dựng cảng Sài Gòn. Nếu trừ trục đường Trịnh Minh Thế cùng Hoàng Diệu ra thi những phần còn lại chỉ là khoảng đất trống cùng những khu ổ chuột lụp xụp.

Khu vực quận 4 không hề nằm trong kế hoạch quy hoạch của thành phố, không người quản lý nên nhiều người thi nhau chiếm đất, cất chòi, làm nhà ngang dọc, không biết bao nhiêu “xuyệt”. Tốc độ cất nhà của những người dân quận 4 thậm chí còn nhanh hơn tốc độ đặt tên đường và số nhà. Bởi vậy ở quận 4 mới sinh ra những “nhà không số, phố không tên” kéo dài hàng chục năm.

Khu ổ chuột nếu có lỡ bị cháy vào ban đêm thì y như rằng sẽ kéo theo cả trăm căn nhà thành tro bụi, bởi hầu hết nhà đều được dựng bằng vật tư rẻ tiền, dễ cháy mà lại còn sát nhau. Thế nên, sau mỗi một trận cháy lớn thì hàng trăm có khi là hàng ngàn con người không có nơi ở, họ lại ùn ùn kéo nhau đi tìm cất nhà ổ chuột khác.

Sống trong chốn nghèo khổ, bần cùng sẽ sinh ra những tệ nạn như trộm cắp, bài bạc, đĩ điếm, ma túy rồi cướp giật…..Cộng thêm địa thế quận 4 vô cùng phức tạp nên thành phần bất hảo kéo về đây tìm nơi nương náu rất đông, nhiều băng đảng cũng về đây đặt sào huyệt. Tin xấu lan nhanh nên quận 4 nhanh chóng trở thành vùng đất dữ, người ở đây học móc túi trước khi học chữ, học cầm dao chém giết trước khi biết nói lời yêu thương,…. Sáng sáng, có những đệ tử trang điểm lộng lẫy, ăn mặc sang trọng cứ như là những tay giàu mới nổi, ngồi xích lô rảo sang quận 1 để thi hành món nghề “hai ngón”. Chỉ cần chủ cửa hàng sơ suất đôi chút là mất cả mớ đồ, khách đi đường không cảnh giác là lát chẳng tìm thấy bóp tiền ở đâu.

Khá nhiều đại ca lừng lẫy một thời Sài Gòn đều có gốc gác từ quận 4, trước năm 1975 thì có Đại Cathay kéo quân tận quận 1 thâu tóm địa bàn, sau năm 1975 thì có ông trùm Năm Cam vươn tay dài cả Sài Thành. Cái quận 4 không thiếu nhất chính là những băng cướp đâm người không “nhát” tay, ăn cơm tù còn nhiều hơn cơm nhà, ai nấy cũng hình xăm đầy người,…

Người Sài Gòn nhìn về quận 4 như một sự hãi hùng bởi những đại danh gắn với một thời tai tiếng như khu Hai mươi thước, hẻm 148 Tôn Đản, hẻm chùa Giác Quang, Ô Cầu Dừa, hãng Phân, Viện Bài Lao, hẻm Hiệp Thành…. Tuy chỉ có một số nhỏ thành phần bất hảo ở quận 4 nhưng lại làm cho không biết bao nhiêu người dân lương thiện khác cũng bị tai tiếng theo. Có một thời gian khá dài, người ta dị ứng gay gắt với dân sinh sống quận 4, bởi đơn giản học cho rằng, người sống ở quận 4: Không đầu trộm đuôi cướp thì cũng là dạng nghèo rớt mồng tơi, cả đời không mở mặt lên được.