Cảm nhận ca khúc "Anh Tiền Tuyến Em Hậu Phương" (Minh Kỳ) - Tình yêu của hai con người nơi hai chiến tuyến _ Xưa

Nhạc sĩ Minh Kỳ tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Mỹ, là một nhạc sĩ nhạc vàng rất nổi tiếng trước năm 1975 và là một trong những thành viên của nhóm nhạc sáng tác nổi tiếng Lê Minh Bằng.

Ông sinh vào năm 1930 tại Nha Trang, Khánh Hòa nhưng lại là một người con gốc Huế chính hiệu. Hơn nữa, theo như gia phả ghi chép của Triều Nguyễn thì ông chính là cháu 5 đời của vua Minh Mạng. 

Học nhạc từ những năm của thời niên thiếu, ông còn có một thời gian được cử đi du học ở trường bách khoa Paris - Đó chính là những bước khởi đầu vững chắc của ông trên con đường sáng tác của chính mình. Và ông bắt đầu sáng tác mạnh mẽ từ những năm của thập niên 1950 (tác phẩm đầu tay là Chị Hằng, viết vào năm 1949) đến thập niên 1960.

Bộ ba Lê Minh Bằng_ Anh Bằng - Minh Kỳ - Lê Dinh

 

Dù mất đi khi tuổi đời còn khá trẻ (ông mất vào năm 1975) nhưng những nhạc phẩm mà ông để lại cho chúng ta lại chẳng hề thua kém bất cứ một nhạc sĩ nào. Và những tác phẩm ấy, cho đến hôm nay vẫn đang không ngừng được cất lên từng ngày, từng tháng, từng năm…

Trong số đó, có thể nhắc đến một bài hát có tên Anh Tiền Tuyến Em Hậu Phương. Một bài hát rất hay, được ông sáng tác vào khoảng năm 1966, nói về tình yêu của hai con người nơi hai chiến tuyến - người tiền tuyến, kẻ hậu phương. Với một cách nhìn lạc quan hơn, vui vẻ hơn, tình yêu của họ dường như cũng mang nhiều màu sắc hơn:

Em hậu phương còn anh nơi tiền tuyến

chúng ta cách xa rồi nhưng tình đâu có chia phôi

Mình gọi tên nhau nhớ nhau trong mộng thôi

tha thiết yêu nhau mà vui

Bài hát là nỗi lòng được tỏ bày của cả hai con người đang yêu nhau, một tình yêu thắm thiết vô cùng. Người con gái ấy, với tình cảm đong đầy, cô nói rằng “Em hậu phương còn anh nơi tiền tuyến/ chúng ta cách xa rồi nhưng tình đâu có chia phôi” - Khoảng cách xa thì có xa thật đấy, nhưng khoảng cách ấy đâu có xá gì so với tình yêu của anh và cô đã và đang dần trao nhau. Dù xa nhau, dù cho rất nhớ nhau, nhưng họ cũng nguyện rằng sẽ gọi tên nhau “trong mộng thôi”. Biết rằng sẽ vắng nhau, sẽ có chút buồn đó, cô đơn đó, nhưng như vậy thì chỉ làm cho họ càng thấy rằng tình cảm dành cho nhau càng chân thật, càng lớn hơn nên họ cũng sẽ càng vui hơn.

 

Mời quý vị nghe lại ca khúc “Anh Tiền Tuyến Em Hậu Phương” Trình bày: Mạnh Đình, Y Phụng

Bấm vào giữa hình trên để nghe “Anh Tiền Tuyến Em Hậu Phương” Trình bày: Mạnh Đình, Y Phụng

Mời quý vị nghe lại ca khúc “Anh Tiền Tuyến Em Hậu Phương” Trình bày: Như Quỳnh, Trường Vũ

Bấm vào giữa hình trên để nghe “Anh Tiền Tuyến Em Hậu Phương” Trình bày: Như Quỳnh, Trường Vũ

 

Còn chàng trai, dù đi xa nơi tiền tuyến anh vẫn luôn một lòng trông về người con gái mà anh yêu đang ở hậu phương - “những đêm phố lên đèn” thì nơi “tuyến đầu anh đón trăng lên” - nhìn về nơi ấy anh cảm nhận được rằng “tình mình cao hơn núi non kia hùng vĩ” vậy cho nên, dù có cách xa muôn trùng thì anh vẫn “vui câu biệt ly”. Anh đi rồi anh sẽ lại về, tình yêu của anh ở nơi này sẽ càng ngày lại càng lớn lên, và anh cũng tin người anh yêu cũng sẽ như anh, sẽ ước mơ một ngày tình yêu sẽ lại được sánh đôi, vững bước cạnh nhau…

Em hậu phương còn anh nơi tiền tuyến

những đêm phố lên đèn

Tuyến đầu anh đón trăng lên

Tình mình cao hơn núi non kia hùng vĩ,

nên vẫn vui câu biệt ly.

 

Anh ơi em mơ thấy anh về bao rộn ràng

đôi tim hân hoan kết se duyên thắm nồng nàn

Hòa theo cung đàn có lời ca nhịp nhàng

vạn niềm vui chứa chan

Đó chính là giấc mơ hằng đêm của cô, người con gái yêu anh hết mực, cô mơ “thấy anh về bao rộn ràng” - Rồi anh và cô đã được thỏa nhớ mong bao tháng ngày mà “đôi tim hân hoan kết se duyên thắm nồng nàn”. Ngày ấy là một ngày vui trên khắp quê hương, Tổ quốc, là ngày mà cả cô và anh Hòa theo cung đàn có lời ca nhịp nhàng, vạn niềm vui chứa chan”.

Ở nơi biên cương, ngày đêm anh vẫn trải qua ngàn chông gai, bão táp, vẫn sống chung với những tiếng “súng vang rền”. Nhưng không hề nhụt chí, anh vẫn tin, vẫn luôn tin rằng ngày hòa bình sẽ đến không còn xa nữa, và đôi khi anh lại cứ ngỡ như những âm thanh ấy là của “quê hương thân yêu, đón xuân về pháo rượu nồng”, là những âm thanh “mừng duyên tơ hồng, chúng mình nên vợ chồng” - Sẽ đến, sẽ đến thôi, ngày ấy sẽ đến, “là ngày anh ước mong” - Đó chính là niềm tin, là hy vọng, là hành trang bất diệt của một người lính chiến như anh, người mà còn có tình yêu là cô đang chờ anh ngày trở về.

Em ơi biên cương súng vang rền

Anh ngỡ rằng quê hương thân yêu

đón xuân về pháo rượu nồng

mừng duyên tơ hồng, chúng mình nên vợ chồng

là ngày anh ước mong.

Hai người “Em hậu phương còn anh nơi tiền tuyến”, vẫn luôn như thế, vẫn cùng chung một ước mơ, một niềm tin “nước non mình hết ngày chinh chiến điêu linh”. Đó sẽ là ngày vui nhất của đất nước, và cũng là vui nhất của hai người, một ngày “mộng đẹp yên vui với câu ta thường nói: "Thương mến nhau không hề vơi"

Em hậu phương còn anh nơi tiền tuyến

ước mong nước non mình hết ngày chinh chiến điêu linh

Mộng đẹp yên vui với câu ta thường nói:

"Thương mến nhau không hề vơi"

 

Mai này đây người em thơ nhỏ bé

có anh vuốt vai gầy, ngắm làn môi thắm thơ ngây

Trọn đời chung đôi mãi yêu như ngày cưới

Hai đứa kêu nhau: "Mình ơi!"...

Anh cũng tin, tin vô cùng rằng ngày ấy sẽ không còn xa nữa. Ngày đó, anh sẽ anh sẽ lại được cạnh bên “người em thơ nhỏ bé” - Cô sẽ mãi mãi “có anh vuốt vai gầy, ngắm làn môi thắm thơ ngây”. Và kể từ đó trở đi anh và cô sẽ “trọn đời chung đôi”, sẽ “mãi yêu như ngày cưới” và sẽ ngọt ngào mà gọi nhau thiết tha hai tiếng “Mình ơi!”...

Những niềm tin mà nhạc sĩ Minh Kỳ mang đến trong Anh Tiền Tuyến Em Hậu Phương thật là đáng quý, đáng trân trọng. Hai con người nhỏ bé ấy, trong hoàn cảnh khó khăn chất chồng, đau thương chất chồng, họ ly biệt nhau, ngóng trông nhau, đợi chờ nhau vì họ yêu nhau - yêu nhau bằng một tình yêu còn “cao hơn núi non kia hùng vĩ”, nên xa nhau nhưng họ không buồn, không u sầu, cũng chẳng có chút nào cô đơn mà chỉ có niềm tin và hy vọng tràn đầy. Có chút vô lý, nhưng chẳng có điều gì là không thể cả, tình yêu vốn dĩ chính là một điều diệu kỳ như thế, với mỗi một con người, sự nhìn nhận về nó sẽ khác nhau, có người bi quan, nhưng cũng sẽ có người lạc quan - như là cách nhìn của nhạc sĩ Minh Kỳ vậy.

Trước năm 1975, bài hát đã rất nổi tiếng với giọng ca của cặp đôi Hoàng Oanh - Trung Chỉnh, cho đến ngày hôm nay, bài hát đã được hát lại bởi những giọng ca khác nhau như Như Quỳnh - Trường Vũ, Mạnh Đình - Y Phụng, Lê Sang - Lưu Ánh Loan,... Cho dù có ai hát, hay trôi qua bao lâu thì Anh Tiền Tuyến Em Hậu Phương vẫn ngọt ngào như thế mà sống mãi trong lòng của chúng ta, những người khán giả yêu nhạc.