Cảm nhận ca khúc "Hình Bóng Cũ" (Trúc Phương) - Khi yêu nhau nhưng không đến được với nhau _ Xưa

Dù không chắc chắn về thời điểm ra đời của ca khúc Hình Bóng Cũ, nhưng người ta nói rằng ca khúc này là một đôi với ca khúc Hai Mộng Lối. Cả hai bài hát đều là những sáng tác của người nhạc sĩ tài hoa Trúc Phương, và đều được nhà xuất bản Diên Hồng xuất bản gần như đồng thời vào tháng 7, năm 1962.

Hai Mộng Lối là một bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ, nói về mối tình đứt đoạn của một đôi trai gái, dù rằng họ vẫn còn yêu thương nhau… Họ chia tay nhẹ nhàng mà đớn đau không tả xiết, và chỉ họ mới hiểu được lòng nhau.

Nhạc sĩ Trúc Phương

Còn Hình Bóng Cũ, có lẽ là câu chuyện nối tiếp khi chuyện tình ấy đã qua đi. Dù ca khúc này không nổi tiếng như bài hát cùng được xuất bản đồng thời Hai Lối Mộng nhưng lại là một ca khúc để lại rất nhiều cảm xúc khó tả trong lòng người nghe nhạc:

Từ sau hôm cách biệt vui buồn ai biết,
những đêm ngõ hoang
chờ trăng về muộn màng,
hồn bâng khuâng mơ hình bóng đã ghi mãi trong lòng.

Bài hát khá đặc biệt vì dù là đặt nó vào tâm thế của người nam hay người nữ đều được. Có lẽ vì điểm đặc biệt này làm cho nó càng gắn kết hơn với bài hát trước, vì hai người đều yêu nhau, đều buộc phải xa nhau, nên đều đau buồn, nhớ nhung và vấn vương như nhau.

Kể từ lúc đó, từ hôm mà hai người cách biệt, niềm vui hay nỗi buồn đã chẳng còn ai biết, và cũng chẳng ai để ý đến nữa. Chỉ biết rằng “những đêm ngõ hoang” là khi người “chờ trăng về muộn màng” để mà lắng nghe tâm hồn mình bâng khuâng mơ về “hình bóng đã ghi mãi trong lòng”.

Nỗi nhớ chan chứa ấy cứ trào dâng cuộn cuộn trong lòng, khiến cho người cứ thương, cứ nhớ thiết tha mãi không thôi. Và nhiều khi cũng “muốn lên phố xưa” để mài “tìm thăm người bạn đời”. Nhưng sự thật đã kìm lại nỗi nhớ, kìm lại bước chân của người muốn bước đi. Dù rằng đoạn đường đó “không xa” nhưng hai người đã “trót cách hai lối mộng rồi” - Đã là bạn đời, đã cùng nhau bước qua biết bao nhiêu là đoạn đường, nhưng sự thật thì vẫn vậy, vẫn là đã chia xa, đã “cách hai lối mộng rồi”. Cũng chính là câu hát này càng làm cho nhiều người tin rằng nó và Hai Lối Mộng chính là một cặp đôi nối tiếp nhau.

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Hình Bóng Cũ" Trình bày: Thanh Thuý (thu âm trước 1975)

Bấm vào để nghe "Hình Bóng Cũ" Trình bày: Thanh Thuý (thu âm trước 1975)

Nhiều khi chân bước nhỏ đi vào thương nhớ,
muốn lên phố xưa
tìm thăm người bạn đời,
đường không xa nhưng mình trót cách hai lối mộng rồi.

Người chỉ mong muốn một điều rằng dù cho đã cách xa, thì một ngày nào đó nếu như họ gặp lại nhau thì hãy “nhìn lên trông nhau, như khi ban đầu mà thời gian chưa xóa dấu”. Và hơn nữa, hãy cùng nhau nhắc lại những kỷ niệm của ngày xưa, những ngày cùng đồng hành trong hạnh phúc vô vàn, để họ biết rằng trong lòng của đối phương vẫn “vương vấn mãi hình bóng ai” trên bước đường họ đã qua, và cả trong tương lai.

Nếu mai sau còn gặp nhau thì nhìn lên trông nhau
như khi ban đầu mà thời gian chưa xóa dấu.
Kỷ niệm xưa nhắc lại
và đường vào tương lai vương vấn mãi hình bóng ai.

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Hình Bóng Cũ" Trình bày: Chế Linh

Bấm vào để nghe "Hình Bóng Cũ" Trình bày: Chế Linh

Nhưng tại sao? Tại sao lại cứ mong muốn nhắc nhớ lại những chuyện đã qua? Để an ủi cõi lòng ư, hay để nhắc nhớ rằng cả cuộc đời này họ sẽ không bao giờ quên nhau? Nếu đã như thế thì tại sao họ lại chia xa? Những câu hỏi ấy cứ chạy nhảy trong tâm trí của tôi khi nghe ca khúc này. Tôi thấy buồn, cũng thấy đau, và cũng tiếc cho hai người vì còn yêu mà chẳng thể bên nhau, để mà khi đêm về họ “cúi mặt nghe buồn lên mắt” mới hay rằng cuộc đời này họ chẳng còn lại gì khi mà người họ yêu thương bằng cả tâm tình đã “bước chân khuất nẻo đời”, còn lại chăng “chỉ nụ cười đọng trên môi” - chính là nụ cười minh chứng rằng họ đã từng bên nhau, và lòng vẫn luôn bên nhau.

Để đêm đêm cúi mặt nghe buồn lên mắt
mới hay trắng tay
còn chăng chỉ nụ cười đọng trên môi
khi người cũ bước chân khuất nẻo đời.

Dường như Hình Bóng Cũ chính là cơn sóng lòng dữ dội nhất mà tôi từng nhìn thấy. Sự cô độc của con người thất tình ấy nhiều đến nỗi đã xâm lấn luôn cõi lòng của tôi, tình yêu, nỗi buồn, niềm thương, sự tiếc nuối tôi đều cảm nhận được nó nhiều, tràn như một đại dương mênh mông. Và tôi cũng cảm nhận được sự vô vọng trải dài trong mối tình của họ. Mà càng như thế lòng tôi lại không ngừng dấy lên câu hỏi tại sao. Tại sao họ yêu nhau đến vậy, lại phải chia hai nẻo đường? Tại sao?

Có lẽ câu hỏi ấy chỉ có nhạc sĩ Trúc Phương mới hiểu hết và trả lời được. Nhưng cũng có lẽ vì không thể hiểu hết, không thể trả lời nên ông mới giải tỏa nỗi lòng của mình bằng cách viết nên một bản nhạc như là Hình Bóng Cũ. Lý do chia tay trong tình yêu là muôn màu muôn vẻ, đôi khi rất đơn giản và đôi khi cũng rất phức tạp. Nhưng yêu nhau mà phải xa nhau có lẽ chỉ là do bất khả kháng, họ không cách nào có thể chống lại chống lại “định mệnh” đã được an bài, chỉ có thể nói là có duyên không phận… Thế thôi cũng đành buông, nhưng buông không phải là hết yêu, buông không phải là hết nhớ, hết thương mà buông để có thể sống và dõi theo nhau trên bước đường của nhau, mà nhìn nhau mà nhớ, mà trân trọng một thời đã từng có nhau, dù buồn, dù đau và dù tiếc nhớ, vấn vương...