Cảm nhận ca khúc "Thành Phố Buồn" - Nhạc sĩ Lam Phương viết về cuộc tình buồn của chính mình _ Xưa

Nhạc sĩ Lam Phương là một trong những người nhạc sĩ nổi tiếng nhất của làng nhạc Sài Gòn trước năm 1975. Ông bước vào con đường sáng tác từ rất sớm, nhưng thành công vang dội thì phải đến những năm cuối của thập niên 60, khi đó tên tuổi của ông phải nói là “nổi như cồn”, cuộc sống của ông cũng thoát ly khỏi “Kiếp Nghèo” của những ngày mới bước chân tập tễnh vào nghề. 

Tuy nhiên, nếu đo độ thành công vượt bậc thì phải kể đến năm 1970, khi tác phẩm Thành Phố Buồn ra mắt với công chúng. Nhạc sĩ Lam Phương kể lại: “Năm 1970, tôi theo Ban Văn nghệ Hoa Tình Thương lên Đà Lạt trình diễn. Trước vẻ trầm lặng của một thành phố chập chùng đồi núi, sương mù bao quanh những con đường dốc quanh co, cùng nỗi cô đơn tràn ngập tâm hồn, tôi đã viết nên Thành Phố Buồn”. 

Nhạc sĩ Lam Phương

Sau khi về Sài Gòn, ông đem xuất bản bài hát và lập tức một “hiện tượng” về âm nhạc đã xảy ra. Khắp mọi nơi từ đường làng ngõ xóm, đến vỉa hè đại lộ, hay trong ngõ hẻm, trên đài phát thanh, và cả  truyền hình,  đâu đâu cũng vang lên giai điệu của Thành Phố Buồn. Cùng với đó là số tiền bản quyền kỷ lục lên đến gần 12 triệu đồng (lúc đó vàng chỉ khoảng 36.000 đồng/lượng), một con số mà nhiều năm sau cũng không nhạc sĩ nào, kể cả bản thân ông, vượt qua được. 

Và vì quá nổi tiếng, người ta cũng thắc mắc, tò mò về bóng hồng đã được ông nhắc đến trong bản nhạc là ai, vì hầu hết những bóng hồng trong nhạc của ông đều luôn tồn tại ở ngoài đời. Ông cũng không ngần ngại mà bày tỏ đó chính là Hạnh Dung - mối tình trái ngang không kết quả của cuộc đời ông. Và ông cũng nói thêm rằng nhớ người yêu chỉ là một “cái cớ” hợp lý khi ông bắt gặp những cảnh vật nên thơ, lãng mạn ở thành phố sương mù mang tên Đà Lạt, rồi viết nên những hình ảnh về cuộc tình buồn của chính mình mà thôi.

Thành phố nào nhớ không em?
Nơi chúng mình tìm phút êm đềm.
Thành phố nào vừa đi đã mỏi.
Đường quanh co quyện gốc thông già.
Chiều đan tay nghe nắng chan hòa.
Nắng hôn nhẹ làm hồng môi em.
Mắt em buồn trong sương chiều anh thấy đẹp hơn.

Với ca từ được xây dựng trên nền nhạc slow rock vô cùng ngọt ngào mà lại rất sâu lắng, một thành phố sương mù nhẹ nhàng hiện ra trong tâm trí người yêu nhạc. 

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Thành Phố Buồn" Trình bày: Trường Vũ, Thanh Trúc

Bấm vào để nghe "Thành Phố Buồn" Trình bày: Trường Vũ, Thanh Trúc

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Thành Phố Buồn (Tân Cổ)" Trình bày: Mạnh Quỳnh, Phi Nhung

Bấm vào để nghe "Thành Phố Buồn (Tân Cổ)" Trình bày: Mạnh Quỳnh, Phi Nhung

Mở đầu với câu hỏi thiết tha “Thành phố nào nhớ không em?”, nơi mà ngày đó hai ta đã cùng với nhau “tìm phút êm đềm”, nơi mà “vừa đi đã mỏi” vì có những con “đường quanh co quyện gốc thông già”... ở nơi đây, có một chàng trai đang một mình lê từng bước với cõi lòng chìm trong nỗi nhớ về ngày xưa, ngày mà anh cùng với người yêu của mình cùng tay trong tay vào một buổi chiều thật đẹp, vào một buổi buổi chiều “nghe nắng chan hòa” cùng với niềm hạnh phúc của đôi lứa. Rồi ánh nắng ấy “hôn nhẹ làm hồng môi em”, khiến cho tâm hồn anh cứ thế loạn nhịp, cứ thế đắm chìm trong đôi mắt đẹp mê hồn vương chút u buồn của người anh yêu.

Anh cứ thế thả trôi lòng mình miên man trong nỗi nhớ của những ngày xưa. Ngày đó, liệu cô còn có nhớ? Một buổi sáng trong lành của ngày “ngày Chúa nhật ngày của riêng mình”, một buổi sáng “thành phố buồn nằm nghe khói tỏa” và những dòng người “lưa thưa” cứ nối nhau chìm khuất dưới làn sương mù mờ ảo. Còn anh thì đang cùng cô quỳ xuống và cầu nguyện “trong góc giáo đường” - hai người cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau ước mong rằng “Tiếng kinh cầu đẹp mộng yêu đương/ Chúa thương tình sẽ cho mình mãi mãi gần nhau”.

Một sáng nào nhớ không em?
Ngày Chúa nhật ngày của riêng mình.
Thành phố buồn nằm nghe khói tỏa.
Người lưa thưa chìm dưới sương mù.
Quỳ bên em trong góc giáo đường.
Tiếng kinh cầu đẹp mộng yêu đương.
Chúa thương tình sẽ cho mình mãi mãi gần nhau.

Nhưng cuộc đời thì không phải khi nào cũng đẹp, cũng hoàn mỹ như là giấc mơ, như là mộng ước. Những điều đó đã trôi xa, đã trở thành quá khứ mà giờ đây, chỉ còn lại nơi này một mình anh cùng với một nửa tình yêu của riêng mình. Hai con người ngày xưa cùng bên nhau, cùng mong ước giờ đã “vì cách xa” mà khiến cho “duyên tình thêm nhạt nhòa”. Người con gái anh yêu cũng đã “trốn phong ba” (có nhiều ca sĩ đã lầm tưởng và hát sai thành “chốn phong ba”)mà về “làm dâu nhà người” - Có lẽ vì cô là một người con gái quá yếu đuối và mong manh, không thể nào chịu đựng được cõi lòng cô đơn, buồn tủi của sự cách xa, để rồi cô tìm cách để “trốn” tránh những điều đó bằng việc đi tìm một nơi chốn mới để an ủi tâm hồn mình, dù có “đau buồn em khóc chia phôi”, nhưng sẽ không phải chịu dày vò từng đêm nơi cõi lòng nữa. Còn anh, anh cũng chỉ biết chấp nhận mà tự mình “tiếc thương đời”, tiếc thương cuộc tình của mình trong âm thầm mà thôi. Và cũng sẽ âm thầm mà “về gom góp kỷ niệm tìm vui”, những niềm vui của ngày tháng cũ, nơi thành phố đã từng hạnh phúc cùng với những mộng mơ mơ mờ ảo ảo.

Rồi từ đó, vì cách xa duyên tình thêm nhạt nhòa.
Rồi từ đó, trốn phong ba em làm dâu nhà người.
Âm thầm anh tiếc thương đời.
Đau buồn em khóc chia phôi.
Anh về gom góp kỷ niệm tìm vui!

Thành phố buồn lắm tơ vương.
Cơn gió chiều lạnh buốt tâm hồn.
và con đường ngày xưa lá đổ.
Giờ không em sỏi đá u buồn.
Giờ không em hoang vắng phố phường.
Tiếng chuông chiều chầm chậm thê lương.
Tiễn đưa người quên núi đồi quên cả tình yêu!

Giờ đây, nơi chốn hạnh phúc ngày xưa đã trở thành một “thành phố buồn lắm tơ vương”, một thành phố với nỗi cô đơn, lẻ loi đến lạ thường. Anh bước đi trong “cơn gió chiều lạnh buốt tâm hồn”, và ngắm nhìn lặng lẽ “con đường ngày xưa lá đổ”. Trên con đường ấy giờ đây đã thiếu vắng bóng hình của một người mà anh yêu tha thiết, thiếu đi người cả “sỏi đá” cũng trở nên u buồn, cả đường phố cũng hoang vắng đếm xót xa cõi lòng, cả tiếng chuông nhà thờ ngày nào cũng nghe “chầm chậm thê lương” - Tất cả chỉ vì người con gái ấy đã ra đi, đã bỏ lại một mình anh bơ vơ lạc lõng nơi chốn này. Cô đi, cảnh vật đầy thơ mộng nơi đây đã trở nên u buồn và ủ rũ mà “tiễn đưa người ” - một người đã quên tất cả, “quên núi đồi, quên cả tình yêu”.

Thành Phố Buồn của nhạc sĩ Lam Phương đã thực sự trở thành một trong những tuyệt phẩm nổi tiếng nhất đang tồn tại cùng với thời gian. Không thể phủ nhận rằng có vô số những ca sĩ tên tuổi đã thành công nhờ vào Thành Phố Buồn - nhờ vào sự yêu mến của khán giả đối với Thành Phố Buồn. Và theo đó mỗi lần có ca sĩ nào muốn làm mới lại bản nhạc đều nên cân nhắc và xem xét, vì chắc chắn rằng họ sẽ nhận được rất nhiều những luồng ý kiến trái chiều (như bản remake mới nhất của Hà Lê cùng với một vài thành viên khác).

Nhiều người cho rằng, nhạc của nhạc sĩ  Lam Phương có phần “dễ dãi” và đơn điệu, thậm chí là “sến”, là ủy mị. và có lẽ cũng vì lẽ đó mà sau năm 1975, một số bài nhạc của ông đã bị cấm lưu hành, trong đó có cả Thành Phố Buồn, phải đến năm 2009 mới được lưu hành trở lại. Nhưng cũng có lẽ, chính cái đặc điểm không cầu kỳ, không phức tạp này mà nhạc của ông lại dễ thấm, dễ đi sâu và dễ ở lại lâu hơn trong tâm hồn của những con người yêu nhạc của mọi thời đại.