Hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa ca khúc "Lời Buồn Thánh" (Trịnh Công Sơn) và sự thực về hình bóng Cô Ngà trong bài hát _ Xưa

   

Bài hát Lời Buồn Thánh được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác vào khoảng năm 1964, khi đó ông vừa mới tốt nghiệp Đại học sư phạm Quy Nhơn và được bổ nhiệm lên Lâm Đông làm việc.

Nơi ông ở trọ xung quanh đều là dốc núi mù sương. Cách đó không xa có một nhà thờ nhỏ, mỗi buổi chiều chủ nhật có thể nghe được tiếng chuông vang lên dồn dập từng hồi. Tại nơi này nhạc sĩ đã tạo ra được rất nhiều nhạc phẩm nổi tiếng và trong đó có Lời Buồn Thánh.

Bài hát như là một câu chuyện mà nhạc sĩ kể về những gì mà mình đã nhìn ngắm, đã lắng nghe được trong những buổi “chiều chúa nhật buồn” “nằm trong căn gác đìu hiu” của mình. Chắc hẳn lúc đó ông đã cảm thấy tâm hồn mình lạc lõng lắm giữa một nơi xa lạ. Nên nhìn đâu ông cũng thấy vương vấn một nỗi buồn, đến “tiếng hát” nghe được cũng trở nên “xanh xao”. Ngoài trời thì lại mưa mãi không hề có ý “nghỉ ngơi”. Bạn bè thì cũng đã “rời xa chăn chiếu”, chỉ còn lại một mình ông nơi căn phòng bé nhỏ và gặm nhấm nỗi cô đơn của chính mình.

Chiều chúa nhật buồn
Nằm trong căn gác đìu hiu
Ôi tiếng hát xanh xao của một buổi chiều
Trời mưa, trời mưa không dứt
Ô hay mình vẫn cô liêu

Chiều chúa nhật buồn
Nằm trong căn gác đìu hiu
Nghe tiếng hát xanh xao của một buổi chiều
Bạn bè rời xa chăn chiếu
Bơ vơ còn đến bao giờ

Lúc ban đầu tôi nghe bài hát, tôi có chút băn khoăn vì sao tiếng hát trong bài hát này lại là “ tiếng hát xanh xao”? Tôi đã nghĩ là có lẽ do nỗi buồn đã xâm lấn hết tâm hồn của chàng nhạc sĩ trẻ đang tuổi phơi phới lúc đó, nên ông nghe tiếng hát cũng cảm thấy “xanh xao”. Nhưng khi nghe lại lần nữa, thì tôi chợt nhận ra rằng tiếng hát mà Trịnh Công Sơn nhắc đến trong Lời Buồn Thánh có lẽ không phải là một tiếng hát bình thường được cất lên từ con người, mà nó là tiếng xào xạc của cỏ cây hoa lá bên ngoài kia. Vì nơi ông ở lúc đó gần như là một nơi rất đỗi hoang sơ. Điều đó có thể cho chúng ta thấy được sự nhạy cảm bao la trong tâm hồn của một con người luôn đầy ắp tính nghệ sĩ, và cũng cho chúng ta thấy rằng nỗi trống vắng, cô đơn đến tận cùng trong con người ông - phải lạc lõng đến mức nào mới nghe thấu được cả một bản nhạc của thiên nhiên như vậy chứ.

Chiều chúa nhật buồn
Nằm trong căn gác đìu hiu
Tôi xin em năm ngón tay thiên thần
Trong vùng ăn năn, qua cơn hờn dỗi
Tôi tôi xin năm ngón tay em đi vào cô đơn.

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Lời Buồn Thánh" Trình bày: Bạch Yến (thu âm 1967)

Bấm vào để nghe "Lời Buồn Thánh" Trình bày: Bạch Yến (thu âm 1967)

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Lời Buồn Thánh" Trình bày: Lệ Thu

Bấm vào để nghe "Lời Buồn Thánh" Trình bày: Lệ Thu

Và trong nỗi buồn miên man ấy, lại xuất hiện bóng dáng một người con gái với “năm ngón tay thiên thần”. Đây là một hình ảnh khá quen thuộc và dễ bắt gặp khi chúng ta nghe nhạc của Trịnh Công Sơn. Bàn tay ấy khiến tôi liên tưởng đến người yêu bé nhỏ của ông - cô Dao Ánh. Trong những bài hát mà ông dành tặng riêng cho cô ấy cũng thường xuất hiện hình ảnh này. Và trong thời gian sáng tác ca khúc này ông vẫn đang cùng cô ấy thư từ qua lại, nên tôi tin, một niềm tin vô cùng mạnh mẽ rằng bàn tay ấy chính là của cô - người mà ông luôn một lòng hướng đến vào lúc này.

Cô Ngà lúc 15 tuổi 

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơng và Dao Ánh

Nhưng một người bạn lúc đó của ông tên Nguyễn Thanh Ty đã nói rằng, hình ảnh cô gái trong bài hát được ông lấy cảm hứng từ một cô gái tên Ngà. Theo mô tả của ông ấy thì cô Ngà có vẻ đẹp thánh thiện như Đức mẹ Maria vậy - làm mê đắm những anh giáo ở trong căn nhà trọ. Mỗi chiều khi cô đi lễ ngang qua nhà trọ, hai tay cô luôn ôm quyển Thánh Kinh trước ngực thì mọi ánh nhìn của những “anh giáo” đều say mê đổ dồn về hướng cô. Và “anh giáo” họ Trịnh đã lấy những hình ảnh đó để đưa vào bài hát của mình như thế.

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Lời Buồn Thánh" Trình bày: Khánh Ly

Bấm vào để nghe "Lời Buồn Thánh" Trình bày: Khánh Ly

Nhưng lời này đã được cô Ngà - nhân vật chính nói lại rằng, thực ra cô ấy không theo đạo Công giáo, và mỗi chiều đi ngang như ông Ty kể là cô ấy đi học về chứ không phải là đi Lễ như là ông ấy tưởng. Và cô cũng cho biết thêm rằng trong số các “anh giáo” lúc đó cũng chỉ có ông Ty bày tỏ sự cảm mến với mình thôi. Còn cô với “anh giáo” nhạc sĩ thì chưa từng có mối liên hệ thân thiết nào ngoài vài lần gặp thoáng qua khi đi cùng với ông Ty. Vậy nên cô cũng rất ngạc nhiên khi ông Ty nói mình chính là hình ảnh cô gái thoáng qua trong Lời Buồn Thánh.

Dù câu chuyện đó có đúng hay là không, thì tôi - không hiểu sao lại có một niềm tin vô cùng mãnh liệt rằng bóng hình thấp thoáng của người con gái đó là cô Dao Ánh. Có lẽ vì hình ảnh “năm ngón tay thiên thần”, lời “ăn năn”, sự “hờn dỗi” ấy tôi đã bắt gặp trong những bài hát mà ông viết tặng cô.Và cả hình ảnh “tôi xin năm ngón tay em đi vào cô đơn” này làm cho tôi cảm thấy rằng ông đang chìm ngập trong nỗi nhớ về người con gái mà mình thương vô cùng. Và cái sự chìm đắm đó càng được thể hiện vào sự miên man của những câu hát cuối, của những buổi “Chiều chúa nhật” vang vọng như dội lại nỗi buồn vào không gian không có hồi kết càng làm cho niềm tin của tôi thêm vững chắc hơn:

Chiều chúa nhật buồn lặng nghe gió đi về
Chiều chúa nhật buồn lặng nghe gió đi về
Chiều chúa.....

Lời Buồn Thánh sau khi sáng tác đã được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi về Sài Gòn. Và ngay lập tức sau đó đã nổi tiếng khắp các phòng trà lớn nhỏ qua giọng hát của ca sĩ Bạch Yến (lúc đó cô vừa trở về sau khi đi du học ở Châu Âu), sau này thì có Lệ Thu, Khánh Ly… 

Lối Cũ biên soạn