Giải mã câu nói: “Nhà không số, phố không tên” ở quận 4 Sài Gòn xưa

   

Câu nói “nhà không số, phố không tên” đã phần nào nói lên ý nghĩa của câu chuyện mà tôi sắp kể sau đây. Đó là những căn nhà cũ không có số nhà. Tại Sài Gòn từ sau năm 1954 đã từng có những căn nhà như thế đấy, chẳng hạn như những căn hộ ở quận 4, trong đó có nhà của tôi.

Vào khoảng những năm 60 của thế kỷ trước, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ được chính quyền giao cho nhiệm vụ là quy hoạch lại mặt bằng của Sài Gòn – Chợ Lớn, tập trung vào các khu dân cư cao tầng. Từ trước năm 1972, người Mỹ và cục Gia cư đã định hướng để quy hoạch đất đai sinh sống cho người dân Sài Gòn với việc phát triển chủ yếu ở hướng Bắc, Đông Bắc và Tây, Tây Bắc. Còn về hướng nam Sài Gòn do có nhiều kênh rạch và đất trũng nên không mấy mặn mà trong việc phát triển chúng, bởi lẽ về hướng này để dành là nơi thoát nước của Sài Gòn. Vì thế mọi người tập trung phát triển ở vùng đất cao ráo ở các hướng Bắc, Đông Bắc, Tây, Tây Bắc.

 
Bản đồ khu vực quận 4 năm 1968

Thời đó, theo bản đồ xưa, mọi người đã chọn quận 4 là nơi để xây cảng Sài Gòn. Chỉ có đoạn Trịnh Minh Thế với Hoàng Diệu là may ra còn có nhà phố, còn lại toàn là những căn nhà ổ chuột lụp xụp. Từ sau năm 1954, miền Nam Việt Nam là nơi chịu nhiều ảnh hưởng của chiến tranh nên người dân phải trốn chạy và tìm nơi để bảo toàn tính mạng, sinh sống qua ngày. Và như thế Sài Gòn là nơi được mọi người “gửi gắm” mạng sống sau những ngày bom đạn, mất nhà mất cửa. Họ đã di tản đến quận 4 Sài Gòn để làm ăn bươn chải vào ban ngày, đến tối thì lại quay về căn nhà thuê lụp xụp của họ. Mang tiếng là “những căn nhà” nhưng thật ra đó chỉ là căn phòng được che đỡ bởi tôn và những tấm ván cũ để tránh mưa gió lùa vào, coi như có chỗ trú qua ngày để hôm sau lại tiếp tục công việc kiếm ăn sinh sống. Những kênh rạch ở quận 4 là nơi xuất hiện rất nhiều căn nhà ổ chuột như thế này, chật hẹp và dạy đặc. Đối với họ, để có miếng ăn qua ngày đã là một điều khó khăn, việc có một căn nhà để ở cũng là một việc nhiêu khê. 

Đường Trịnh Minh Thế Khánh Hội Quận 4 – Tháp nước phía trước tại ngã ba Hoàng Diệu – Trịnh Minh Thế

Những căn nhà lụp xụp ấy chỉ rộng khoảng chục mét vuông nhưng lại là nơi sinh hoạt, ăn ở của cả một gia đình. Sự bó hẹp này đã mang lại rất nhiều bất tiện cho các thành viên trong gia đình khi mà nằm ngủ cũng không được tự do mà phải nằm và sắp xếp sao cho chứa đủ người. Thậm chí ngủ mà mơ cũng không dám ú ớ gì vì sợ tay người này đụng tay người kia, ảnh hưởng đến giấc ngủ của nhau.

Cảng Khánh Hội và 1 góc quận 4

Từ nhà không số phố không tên…

Ở khu quận 4 này không có sự quy hoạch từ chính quyền và không có sự quản lý nào được xen vào ở đây nên mọi người mặc sức tranh giành đất đai, cất chòi, nhà cửa đan chéo nhau loạn xà ngầu cả lên. Đặt tên đường với số nhà cũng chẳng kịp so với chuyện cất nhà. Vậy nên mới có câu “nhà không số, phố không tên”. Tôi còn nhớ trước đây đi học cấp II, có hôm tôi bị sốt, nằm bẹp ở nhà, không thể đi học nổi. Đến khi lành bệnh, lò dò bước vào lớp thì bạn tôi chạy tới, nói là nghe tin tôi bệnh muốn đến nhà thăm tôi nhưng chẳng thể đi được. Bởi vì địa chỉ của tôi thì ghi rõ ràng đấy, nhưng đường đi đến nhà thì bao nhiêu lối rẽ ngang dọc, không phải dân trong khu đó thì chẳng thể lần đường mà đi nổi. Thế là bạn tôi đành bỏ cuộc. Tôi nghe mà dở khóc dở cười. Thôi thì cũng cảm ơn tấm lòng của bạn tôi.

 

Nhà văn Từ Tế Cường cũng đã từng kể câu chuyện liên quan đến quận 4 mà chắc chắn người đọc sẽ phải khóc thét khi nghe câu chuyện này. Chuyện là hồi nhỏ ông sống ở khu quận 4, đoạn hẻm Nam Tiến (hẻm Nam Tiến là con hẻm sâu trên đường Bến Vân Đồn gần cầu Ông Lãnh). Thời đó hẻm này chia nhiều ngóc ngách, dân cư thì sống ở các căn nhà mướn cất trên các kênh rạch. Kênh rạch thì có nước ra vô mỗi ngày, kéo theo đó có những kênh rạch có mùi rất hôi vì nhà nào cũng có “cầu tõm”, mỗi lần “xả nước cứu thân” là thải thẳng xuống mương, kênh rạch. Nhà nào không có cầu tõm cá nhân thì đi cầu tõm công cộng và đích đến cuối cùng cũng là những con kênh rạch đó. Vậy nên mới có sự việc kênh rạch hôi thối đến như vậy.

Thỉnh thoảng những căn nhà tôn, ván bị cháy. Mà nhà cửa khi đó nhà nào nhà nấy san sát nhau, một khi cháy một căn là kéo theo một dàn, cuối cùng là cháy hết, tất cả tan thành tro bụi. Khi nơi ở bị cháy mọi người không còn nơi nương thân, kết quả người dân lại phải bế con bế cái đi tìm nơi ở để cất nhà khác. Khổ không để đâu cho hết.

… đến vùng đất dữ

Với sự nghèo khổ, túng bần đến như vậy nên đã kéo theo những hệ lụy như cướp giật, ma túy, hút chích,… Thế là nơi đây đã bị những người bất lương kéo đến để gầy dựng sào huyệt khiến ngày càng xuất hiện nhiều băng đảng cướp giật. Nơi đây dần dà trở thành vùng đất dữ chứa nhiều tệ nạn xã hội. Người có nhan sắc thì bị lừa làm mại dâm, người không có nhan sắc thì cướp giật. Ở đây người ta chém người trước khi yêu đương, biết cướp giật trước khi biết chữ. Cứ mỗi ngày sẽ có người ăn bận đẹp như quý cô, công tử đi đến quận 1 ăn uống. Khách khứa vào quán mà không để ý là mất đồ như chơi.

 

Những người dân quận 4 thiện lương bị mang tiếng oan ức

Đã có một thời gian, người dân quận 4 bị mang tiếng oan vì ai cũng nghĩ dân khu này toàn dân ăn cắp. Không ăn cắp thì gia đình cũng chẳng khá lên nổi. Vậy nên phụ huynh không cho con em mình chơi với người ở quận 4. Nhưng họ đâu biết rằng, người dân nơi đây cũng làm ăn lương thiện, cũng cố gắng vượt qua cái nghèo mỗi ngày nhưng cái nghèo cứ đeo bám mãi. Họ cũng muốn cuộc sống sung sướng đầy đủ và ai nấy cũng đều có ước mơ.

Hiện nay quận 4 đã được đô thị hóa, đời sống con người cũng cải thiện nhiều. Nhưng nếu hỏi lại chuyện xưa với những người đã sống lâu năm ở đây, chắc chắn bạn sẽ được nghe cả một thiên truyện dài.