Không giống như Hà Nội, chỉ có những con đường lớn nhỏ chứ chẳng thêm khái niệm ngõ nhỏ, phố ngõ. Thành phố Sài Gòn là vùng đất với hơn 300 năm tuổi, Sài Gòn là nơi tổ hợp của nhiều dòng người từ tứ xứ quy tụ về để khai hoang, lập nghiệp rồi dần đà thành dân cố cụ. Sài Gòn tuy là một thành phố lớn nhưng xen lẫn vào đó là rất nhiều hẻm nhỏ ngang dọc, mặt tiền và góc khuất được phân biệt rất rõ ràng, nó thuộc hai tầng đẳng cấp hoàn toàn xa lạ không chỉ về vị thế mà còn về lối sống, lối sinh hoạt lẫn văn hóa vật chất.
Không ngoa khi nói có đến 80% dân số Sài Gòn là sống trong hẻm, có rất nhiều hộ gia đình đã gắn bó suốt mấy đời nơi con hẻm nhỏ quen thuộc. Có nhiều con hẻm lại là nơi quy tụ có rất nhiều đồng liêu từ tứ xứ đến lập nghiệp và dần trở thành nét văn hóa đặc trưng của hẻm cho những người tha hương cùng quê. Không những thế, còn khá nhiều con hẻm là nơi quy tụ nhiều ngành nghề để trở thành “hẻm làng nghề”: giày dép, lồng đèn, dệt nhuộm, thợ mộc,…
Không chỉ ở những quận rìa thành phố mới có hẻm nhỏ ngang chéo như ở quận 4, quận 8, Chợ Lớn hay Gò Vấp, mà ngay cả quận 1, quận 3 cũng có rất nhiều con hẻm đặc trưng nổi tiếng. “Đường ngang, ngõ tắt chằng chịt” chính là đặc trưng của hẻm nơi Sài Thành, có rất nhiều con hẻm dài đến nỗi người ta hay đùa rằng “vừa đi, vừa hát” cả trăm bản nhạc của Phạm Duy hay Hoàng Thi Thơ vẫn chưa ra được đường lớn. Ở Sài Gòn rất dễ bắt gặp những con hẹp “liên thông”, luồng đường này tẻ đường kia như một trận đồ bát quái hay người ta vẫn gọi là khu “bàn cờ”, bởi có quẹo đường này, lách đường kia thì vẫn ra được đường mà không lo lạc. Người dân sống trong hẻm không như dân nơi mặt tiền, họ sống chan hòa và giữ được nếp sống cộng đồng tương trợ “tối lửa tắt đèn” như ở nơi thôn ấp, xóm làng. Đây được xem là nền văn hóa người Việt từ nơi thôn quê, họ vẫn còn giữ được nét đặc trưng ấy và mang theo đến nơi thành thị xa hoa.
Những người con Việt Nam dù có đi đâu, ở đâu thì chắc cũng sẽ nhớ đến những con hẻm nhỏ của Sài Gòn – nơi giao lưu quan hệ chòm xóm, láng giềng; nơi sân chơi, giải trí cùng những hàng quán nho nhỏ; nơi vang vọng những tiếng rao chào hàng;….Có những người được may mắn du lịch khắp bốn bể năm châu nhưng họ vẫn luôn mong nhớ về Sài Gòn, bởi sẽ chẳng nơi nào trên thế giới có những “hẻm nhỏ, ngõ phố” như tại Sài Thành. Ví như ở Hồng Kông, đâu đâu cũng sẽ nhìn thấy những tòa nhà cao chọc trời, cũng có những đường ray xe điện ngầm xuyên quốc gia, lại có những cửa hiệu buôn bán tấp nập, nhưng lại không có cách nào tìm được một con hẻm với những nét văn hóa đặc trưng. Hay ở Thái Lan, thả bộ dạo bước vào ban đêm, đặc biệt là tại Bangkok, ta vẫn có thể thấy hẻm nhưng nó lại là những con hẻm lớn như con đường mặt phố, cũng có những khi chợ sập sình và náo nhiệt nhưng lại không cảm nhận được cái chất “xôn xao” như ở Việt Nam. Còn ở Campuchia hình như cũng có những con hẻm nhỏ gần giống với Sài Gòn, nhưng cũng không chắc bởi chăng ai có can đảm ở lại lâu nơi đây vào thời trước, ngay cả những người Cam-bốt Kiều cũng chẳng dám – thời mà tình hình chính sự ở đất nước này quá phức tạp, Khmer Xanh – Khmer Đỏ cùng với sự tranh chấp căng thẳng giữa chính quyền Hunsen và Sihanouk.
Nơi khu vực quận 3, trong một con hẻm nhỏ mang tên là Niệm Phật Đường Huệ Quang, ra tới đầu ngõ, ngó sang bên kia đường Phan Đình Phùng (chính là con đường được đổi tên thành Nguyễn Đình Chiểu ngày nay), đi hết con hẻm này sẽ nhìn thấy một cái chợ nhỏ gần với trường tiểu học Bàn Cờ. Chợ Việt Nam nói chung hay những khu chợ nhỏ Sài Thành nói riêng, vào sáng sớm sẽ luôn ồn ào và tấp nập với những hàng xôi ngon lành, hàng chè ngọt ngào với đầy đủ loại, rồi nào là bánh mì, bánh xèo, bánh cuốn rồi lại thêm bánh bèo hay cháo,…Những món ăn sáng quá đỗi quen thuộc với chúng ta dù là trước kia hay hiện nay vẫn vậy, vẫn những hương vị cũ, thấm đượm tình quê hương. Vẫn còn nhớ, bữa sáng hàng ngày với khúc bánh mì cùng một ly sữa đậu nành nóng, nói là “khúc” bởi nó không phải nguyên ổ, bánh mì ngày xưa dài và ốm, người bán sẽ cắt ra thành từng khúc rồi bán cho người ăn sáng. Hôm nào có thoải mái, tiền bạc thư thả xíu thì kêu một khúc bánh mì thêm chút ba-tê cho ngon lành, còn bữa nào “eo hẹp” một xíu thì khúc bánh mì chan với nước cá cũng giải quyết gọn lẹ bữa điểm tâm. Trường Tiểu học Bàn Cờ nằm gần chợ, đi bọc ra sau một xíu chính là khu Cư Xá Đô Thành, nó sẽ dẫn ta nhanh chóng ra được con đường Phan Thanh Giản, gần nơi đây sẽ là Bệnh viện Bình Dân. Còn ở phía bên kia đường, xích xích đến một xíu hướng đường Lê Văn Duyệt chính là trường Văn Học của thi sĩ Nguyên Sa. Những con hẻm bao bọc xung quanh hầu hết đều là những hẻm tầm trung, không quá lớn cũng chẳng gọi là hẹp, vừa đủ cho một chiếc xe ba gác bon bon vượt qua. Nhưng con đường trong hẻm Niệm Phật Đường Huệ Quang thì lại rất nhỏ và rất hẹp, có khi chỉ vừa một chiếc xe gắn máy hoặc chỉ vừa đủ cho hai con xe đạp đi lại ngược chiều nhau. Vậy nên, nếu lỡ có thêm một con xe máy chạy ngược chiều thì một trong hai chiếc phải lùi lại và nhường đường cho chiếc kia.
Lại có những con hẻm rất chi là nhỏ, có thể nói là chỉ vừa đủ cho người đi bộ hoặc chỉ thêm được 1 con xe đạp mà thôi! Đi từ hẻm Niệm Phật Đường Huệ Quang sẽ nhìn thấy một con hẻm nằm ngang liên thông ra được đường Phan Đình Phùng, gần đó cũng có một trường tiểu học rất nổi tiếng nằm gần ngã tư Phan Đình Phùng và Cao Thắng. Hẻm này phải nói là rất nhỏ, lại còn cua quẹo lắt léo như thử thách người cầm lái. Đâm ra đầu hẻm sẽ có một tiệm thuốc Tây nhỏ, bề ngang hẻm này chỉ đủ cho 2 chiếc xe gắn máy đi ngược chiều nhưng nếu phải tránh xe trong hẻm thì cũng có đôi chút khó khăn. Nhìn xéo xéo một xíu chính là nhà sách Thanh Bình, xuống đoạn dưới của đường Cao Thắng sẽ nhìn thấy nhà bảo sanh Hồng Đức. Cạnh đó lại có thêm một con hẻm nhỏ nữa, bề ngang hẻm cũng chỉ đủ cho hai con xe gắn máy đi ngược chiều nhau hoặc đi song song nhưng vẫn có chút chật vật nếu phải tránh né hay nhường xe.
Nếu phải buộc kể về tất cả con hẻm ở Sài Gòn thì thiết nghĩ không biết đến khi nào mới hết được, có những con hẻm thông với chợ rồi lại thông ra đường lớn. Nhiều người thích hơn là đi băng băng trên đường phố rộng lớn, bởi nó mát, nó che chắn hoàn toàn những cơn nóng nắng ban trưa, và cũng không phải đợi chờ những cây đèn giao thông lâu lắc. Sài Gòn ngày xưa cũng đã tạm biệt không ít con hẻm do chiến tranh tàn phá, điển hình là khu Vườn Bà Lớn, Tết Mậu Thân năm 1968, con hẻm này đã bị chiến tranh thiêu rụi toàn bộ, về sau thì được xây cất lại thành khu chung cư Nguyễn Thiện Thuật của ngày nay, nó tiếp giáp với con đường Phan Thanh Giản.
Từ khu trường Tiểu học Phan Đình Phùng, gần với chùa Kỳ Viên Tự nơi góc đường giao của Phan Đình Phùng và Bàn Cờ, trong khu này có những con hẻm nho nhỏ như “hẻm hầm”, cảm giác đi qua đi lại như dưới con núi, cứ thẳng ra sẽ đụng với nhà thờ Đức Bà. Không những thế, con đường này còn dẫn chúng ta chạy ra được tận công viên đường Hồng Thập Tự và công viên “Đại Hàn” nằm ngay đối diện trường Petrus Ký, xéo xéo đó là gần với vòng xoay Lý Thái Tổ và đường Hồng Thập Tự. Liên thông đó khi đi từ Nguyễn Thiện Thuật ra tới đường Lý Thái Tổ là một tiệm cà phê Nam Dưỡng nhỏ, đối diện quán cà phê lại là một con hẻm nhỏ nữa, trong con hẻm đó chính là nhà của nam nghệ sĩ nổi tiếng thời bấy giờ – Hùng Cường.
Những ngõ nhỏ thân thuộc nơi đô thành Sài Gòn xa hoa, có lẽ vào một ngày nào đó sẽ chẳng còn nữa, không còn giữ được nét đặc trưng năm nào và nét văn hóa cộng đồng như thuở xưa. Theo đà phát triển của xã hội, hệ thống giao thông cùng hạ tầng được nâng cấp thì người dân trong những khu hẻm cũng dần đà ít “cởi mở, giao lưu”, họ trở nên “trầm mặc” khi nhìn thấy xóm giềng. Nhưng thế thì đã sao! Trong lòng của những người Sài Gòn xưa thì vốn là không có gì thay đổi cả, nó vẫn hiện diện trong trí nhớ của họ, vẫn ẩn hiện tái diễn thông qua những bức ảnh ố màu được cất giữ cẩn thận. Dù có rời xa khu hẻm nhỏ bao nhiêu năm thì khi quay trở lại vẫn có người quen tay bắt mặt mừng, vẫn được chào đón như một thành viên cũ trở lại với địa gia đình thân thương. Đường xa dù có thay tên đổi họ thì nó mãi mãi là con hẻm nhỏ quen thuộc trong ký ức của hàng hà người dân Sài Thành xưa. Vẫn là con ngõ của đôi nghệ sĩ Hùng Cường – Lệ Thủy trong những bản tân nhạc, vẫn là ánh nắng ban mai ấm áp và mát mẻ giữa Sài Gòn của thi sĩ Nguyên Sa và mãi mãi là khu phố thân thuộc cùng những vũ trường ăn chơi múa nhảy của nguyễn Đình Thiều. Vẫn là nơi văng vẳng tiếng cải lương ngọt ngào của những nghệ sĩ gạo cội Thanh Nga, Bạch Tuyết,…với các gánh hát Kim Chung, gánh hát Dạ Lý Hương. Là những con hẻm với thằng hai, con tám,…hàng xóm, dù có bị đập đi rồi xây lại, dù có sơn tô mới với phong cách mới thì linh hồn của nó vẫn vẹn nguyên như chưa từng có sự thay đổi. Những con hẻm nhỏ ôm ấp trong mình biết bao kỷ niệm đẹp, những hồi ức vui buồn cùng đón chào người lạ thân quen. Những đường đi lắt léo nhưng với người Sài Gòn xưa lại vô cùng thuận tiện và nó lại như những ngõ ngách tế nhị của cuộc đời, mãi mãi thuộc về hồi ức của chúng ta!!
Con hẻm này có một câu chuyện ít người biết. Năm 1905, lãnh tụ Tôn Trung Sơn, người lật đổ chế độ phong kiến Trung Hoa, từng đến con hẻm này, ở lại nhà một người dân sinh sống bằng nghề làm giá tên Huỳnh Cảnh Nam. Sau này, con hẻm được đặt tên là hẻm Giá. Cách mạng Tân Hợi thành công năm 1911, Tôn Trung Sơn trở thành nguyên thủ quốc gia, con hẻm này được xem như một di sản của người Hoa tại Sài Gòn.