Hoàn cảnh ra đời và ý nghĩa ca khúc "Bây Giờ Tháng Mấy" - Sáng tác đầu tay của nhạc sĩ Từ Công Phụng khi mới tròn 18 tuổi _ Xưa

Ở Từ Công Phụng có một điểm đặc biệt, là trước khi làm nhạc sĩ, ông không bao giờ nghĩ đến việc sẽ mưu sinh với việc sáng tác, mà ông chỉ muốn coi âm nhạc là một thú tiêu khiển thanh tao. Ông đến với âm nhạc hoàn toàn bằng năng khiếu, cộng với sự chịu khó tìm tòi, học hỏi, hoàn toàn không được ai nâng đỡ trong bước đầu. Việc này lại được ông xem như là một sự may mắn để tạo riêng cho mình một nét nhạc đặc thù trong âm nhạc của riêng mình.

Bây Giờ Tháng Mấy chính là sáng tác đầu tay của ông viết vào năm 1960, năm ông 18 tuổi, dựa trên những đúc kết mà ông học được, và dựa trên những ảnh hưởng từ thơ văn, âm nhạc mà ông yêu thích. Nhưng theo ông nó chính là những thẩm thấu mà đã ngấm vào máu thịt hồi nào không hay, và từ đó nó vẫn có một nét rất riêng mang tên Từ Công Phụng.

Bài hát khi ra đời chỉ được ông giới thiệu với các bạn học cùng trường của mình lúc đó, rồi sau đó khi lên Đà Lạt để học tiếp trung học, ông mới có dịp để trình bày ca khúc với đông đảo khán giả yêu nhạc (hoảng những năm 1963 - 1964, ông cùng với nhạc sĩ Lê Uyên Phương thành lập ban nhạc Ngàn Thông tại đây).

Mời quý vị nghe Từ Công Phụng hát “Bây Giờ Tháng Mấy”:

Bấm vào giữa hình trên để nghe Từ Công Phụng hát “Bây Giờ Tháng Mấy”

Sau đó bài hát được nhà xuất bản Minh Phát mua và tung ra thị trường. Chỉ trong một thời gian ngắn nhạc phẩm này đã trở nên rất quen thuộc và được mọi người vô cùng yêu thích. 

Sự phổ thông mạnh mẽ của nó đã khiến tựa đề của nhạc phẩm này được truyền khẩu thành Bây Giờ…Mấy Tháng? Nhạc sĩ Từ Công Phụng cho biết ông đã không hài lòng lắm khi tên đứa con đầu đời của anh bị đổi tên một cách châm biếm như vậy. Nhưng dù sao ông cũng thừa nhận nhờ đó mà tác phẩm đầu tay của anh được nhắc nhở tới nhiều hơn. 

Mời quý vị nghe Tuấn Ngọc hát “Bây Giờ Tháng Mấy”:

Bấm vào giữa hình trên để nghe Tuấn Ngọc hát “Bây Giờ Tháng Mấy”

Bài hát là một nỗi buồn bâng khuâng của chàng trai khi bị người yêu mình dỗi hờn. Trong nỗi buồn vu vơ anh hỏi “bây giờ tháng mấy rồi hỡi em?” mà bầu trời vẫn “lênh đênh ngàn mây trôi êm đềm”. Mà tại sao mây lại vẫn vô tình mà êm đềm trôi khi anh đang phải u buồn nơi tâm hồn vì cô gái, người mà anh yêu, đang giận anh? Rồi trong nỗi buồn vu vơ ấy, anh ước giá như chiều nay “em đừng hờn dỗi”, đừng “trách nhau một lời thôi” thì “tâm hồn mình đâu lẻ đôi”, thì anh đâu phải u buồn vì ngày tháng cứ trôi qua lặng lẽ từng giờ, từng phút.

Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em?
lênh đênh ngàn mây trôi êm đềm
Chiều nay nếu em đừng hờn dỗi,
trách nhau một lời thôi
Tâm hồn mình đâu lẻ đôi.

Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em?
Anh đi tìm màu hoa em cài
Chiều nay nhớ em rồi và nhớ
áo em đẹp màu thơ,
môi tràn đầy ước mơ

Anh cứ ngỡ như là đã lâu lắm, lâu lắm rồi, lâu đến nỗi anh không còn biết nên phải hỏi cô rằng “bây giờ tháng mấy rồi hỡi em?”, và có lẽ là ông muốn hỏi rằng bây giờ hai người đã có thể làm lành hay là chưa? Bao ngày qua, anh đã “đi tìm màu hoa em cài”, đã bao ngày anh nhớ cô tha thiết, nhớ miên man cả cõi lòng “áo em đẹp màu thơ” và cả làn “môi tràn đầy ước mơ” của người. Tình yêu của anh bao ngày qua vẫn luôn như thế, vẫn luôn đẹp đẽ, vẫn luôn một lòng chỉ dành cho riêng cô, vì thế nên khi cô giận hờn, anh cũng vô cùng bối rối mà chẳng biết mình nên làm gì nữa. Anh vụng về, anh ngây ngốc chỉ biết buồn vu vơ mà đợi cô nguôi giận, và tìm kiếm những ngày đẹp đẽ trong ký ước của chính mình, rồi ước cho những ngày tháng dỗi hờn này nhanh trôi qua, để cho anh lại được ngắm nụ cười hạnh phúc của người mà anh thương.

Mời quý vị nghe Lệ Thu hát “Bây Giờ Tháng Mấy”:

Bấm vào giữa hình trên để nghe Lệ Thu hát “Bây Giờ Tháng Mấy”

Nhưng đó cũng chỉ là mong ước của anh, những ngày giận dỗi vẫn chưa thể nào nguôi. Anh vẫn bên cạnh, vẫn “đưa em đi về”, nhưng cơn mưa lại bất chợt giăng giữa “chiều nắng tàn” để cho tâm hồn của anh “buốt lạnh”, và dường như “buốt lạnh” cả cuộc tình của anh. Nên anh không thể kìm được nỗi lòng mà năn nỉ người anh thương, rằng “Em ơi, thôi đừng hờn anh nữa”, đừng nhìn nhau mà “buồn vời vợi”, đừng để cho “mùa đông buốt giá bờ vai mềm” - Vì anh thương, vì anh yêu, vì anh đã biết là anh sai, nên xin người đừng “hờn anh” nữa.

Mai đây anh đưa em đi về
mưa giăng chiều nắng tàn
cho buốt lạnh chúng mình.
Em ơi, thôi đừng hờn anh nữa,
nhìn nhau buồn vời vợi,
để mùa đông buốt giá bờ vai mềm.

Mời quý vị nghe Khánh Ly hát “Bây Giờ Tháng Mấy 2”:

Bấm vào giữa hình trên để nghe Khánh Ly hát “Bây Giờ Tháng Mấy 2”

Anh ví nỗi hờn giận ấy như mùa đông, một mùa đông dài đầy sự lạnh giá và cô đơn, u buồn. Và anh không muốn cuộc tình mình, cõi lòng mình cứ mãi bị đắm chìm trong một mùa đông giá buốt, nên anh sẽ mãi “đi tìm mùa xuân trên đời”, một mùa xuân ấm áp sẽ xua tan đi sự lạnh lẽo, nỗi u buồn nơi mùa đông vô tình kia. Mùa xuân của lòng anh chính là cô, là đôi mắt đẹp tựa sao trời, là nụ cười làm xao xuyến lòng anh, là tình yêu, là mộng ước mà hai người đã cùng đắp xây, là tháng ngày vui tươi và hạnh phúc khi nỗi buồn, sự hờn giận qua đi, là tất cả những điều mà làm “cho mình thương nhớ nhau” trọn một đời một kiếp.

Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em?
Anh đi tìm mùa xuân trên đời
Mùa đông chết đi rồi mùa xuân
mắt em đẹp trời sao
cho mình thương nhớ nhau

Tình ca của nhạc sĩ Từ Công Phụng với những nét đặc biệt mang tính chất lãng đãng, bàng bạc, nhẹ nhàng đã trở nên thật gần gũi với những người yêu nhạc từ hơn nửa thập kỷ qua, kể từ khi ông cho ra đời nhạc phẩm đầu tiên Bây Giờ Tháng Mấy.

Với ca  khúc đầu tay ấy, ông đã nhận lại biết bao nhiêu là sự yêu mến từ người hâm mộ. Trong số những bức thư của người hâm mộ gửi về cho mình, ông chú ý đến một bức thư có kèm thêm bài thơ. Tác giả bài thơ này qua lời thuật lại từ một nhân viên của một đài phát thanh: “Đó là một người con gái. Cô gái ấy, sau khi nghe nhạc phẩm Bây Giờ Tháng Mấy lần đầu tiên được phát sóng trên đài, đã cảm tác một bài thơ có cùng tên: Bây Giờ Tháng Mấy và mang đến đài phát thanh nhờ trao tặng cho Từ Công Phụng”. 

Ông rất thích bài thơ ấy, và đã phổ nhạc cho bài thơ, rồi đặt tên luôn là Bây Giờ Tháng Mấy. Và cũng từ đó đến nay, ông luôn có ý chờ người con gái đó lộ diện để biết được tên thật của tác giả, nhưng đã hơn 30 năm trôi qua, chưa hề một lần nào ông nghe được bất kỳ tin tức gì từ cô gái ấy cả. 

Vậy nên trong sự nghiệp sáng tác của ông có đến hai ca khúc được mang tên Bây Giờ Tháng Mấy? Một là tác phẩm đầu tay vẫn luôn vô cùng nổi tiếng cho đến tận ngày hôm nay, một là được phổ nhạc từ thơ của người hâm mộ - dù không được biết đến nhiều nhưng là một kỷ niệm đẹp, một hạnh phúc nhỏ, một động lực dành cho người nhạc sĩ tài hoa Từ Công Phụng.

Bây giờ là tháng mấy? mình xa nhau đây em
Chiều nay trời mây đầy, cho lạnh buốt vai gầy
Ngày cũ mình còn đôi, mà nay em hờn dỗi
Thất hẹn một lần thôi, để mộng vỡ tan rồi

Bây giờ là tháng mấy? Chiều nay sao mưa bay
Nhớ em mấy cho vừa đàn lạc phím ru hờ
Chiều rơi nhẹ vào mắt, trời chớm đông lạnh ngắt
Gió lay nhẹ hàng cây, dáng em mờ trên mây

Mai đây em đi về, có ai đưa chân mềm
Hôn làn tóc lưng thềm, mà từng đêm anh đã trót
Ngày đó có anh chờ, mà nay biết ai đợi
Để đưa em đi về, khi cuộc vui đã tan

Bây giờ là tháng mấy? Mùa hoa đã phai chưa
Tìm quên mùa thương này trong nhạc lắng cung đàn
Màu mắt em còn đó, nhìn áng mây chiều gió
Lướt bay về trời cũ, đâu nữa ngày mộng mơ

Bây giờ là tháng mấy? Chiều anh đi quên đường
Tìm màu hoa hương cũ, em cài áo làm duyên.

Lối Cũ biên soạn