Hoàn cảnh ra đời và ý nghĩa ca khúc "Tình Ca" (Phạm Duy) - Nhạc phẩm bất hủ hay nhất mọi thời đại về yêu quê hương, đất nước _ Xưa

Nhạc sĩ Phạm Duy bắt đầu sáng tác nhạc mang âm hưởng dân ca vào năm 1947, với suy nghĩ như sau: “Tôi nghĩ rằng tôi là người Việt Nam, nếu tôi muốn được gọi là một Nhạc sĩ Việt Nam, thì tôi phải làm nhạc Dân Ca. Đó là chuyện rất giản dị… Tôi phải khởi sự sáng tác của tôi bằng những bản nhạc mang tinh thần Việt Nam và với chất liệu của Việt Nam nữa”, từ đó ông cho ra đời thể loại mà ông gọi là “Dân Ca Mới”

Năm 1952, “Tình Hoài Hương” ra đời tại Sài Gòn, khởi xướng cho khuynh hướng sáng tác “Tình Ca Quê Hương”: “Sau khi nói lên vinh quang và nhọc nhằn của dân tộc với nhạc kháng chiến, bây giờ tôi đi vào tình tự quê hương…” Ca khúc tiếp theo là “Tình Ca”; hai bài này được mọi người yêu thích và nằm trong những tác phẩm tiêu biểu nhất nói về quê hương.

Mời quý vị nghe ca khúc "Tình Ca" Trình bày: Thái Thanh, Phạm Duy

Bấm vào đây để nghe ca khúc "Tình Ca" Trình bày: Thái Thanh, Phạm Duy

Theo đó, Tình Ca là một bài hát, được nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác năm 1952. Bài hát được cho là ra đời khi nhạc sĩ không chịu được cuộc sống gò bó mất tự do tư tưởng trong chiến khu Việt Minh, nên đã cùng vợ con rời đi. Ông viết Tình Ca để thể hiện lòng yêu nước của bản thân mình, đồng thời kêu gọi tinh thần ái quốc, đoàn kết ba miền trong bối cảnh đối đầu Quốc gia-Cộng sản. 

Bài hát mang đậm nét dân ca Bắc Bộ này rất nổi tiếng ở Việt Nam, thậm chí, có thể nói bài hát đã trở thành một trong những ca khúc bất hủ, một ca khúc hay nhất mọi thời đại, và không thể nào thay thế trong những nhạc phẩm về quê hương. Bài hát được trình diễn lần đầu với giọng hát của Anh Ngọc và sau đó gắn liền với tiếng hát Thái Thanh. Năm 2006, sau khi nhạc Phạm Duy được phổ biến lại ở Việt Nam, mười nốt đầu của bài được hãng truyền thông Sơn Ca mua về làm nhạc hiệu với giá 100 triệu đồng. 

Tình Ca được nhạc sĩ chia thành ba phần rất rõ ràng:

 Phần 1 là sự bày tỏ tình yêu của ông với đất nước qua “tiếng nước tôi” bằng những lời hát ru của “mẹ hiền” với những câu ca xa vời được vang lên “À à ơi” muôn đời. “Tiếng nước tôi” là cả một nền văn hóa đã được xây dựng với “bốn ngàn năm ròng rã buồn vui”, và cũng ngần ấy năm đất nước đã chịu biết bao niềm khổ cực “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi” - điều đó khiến bất kỳ ai nhìn lại cũng sẽ bất giác mà xót xa đến tận cùng mà thốt lên hai tiếng thân thương “nước ơi!” như là nhạc sĩ Phạm Duy. Đó chính là nguồn gốc, là lẽ sống và là tiếng lòng của những con người nơi đây từ lúc mới lọt lòng: “Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi/ Thoắt ngàn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi!”

Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời người ơi!
Mẹ hiền ru những câu xa vời.
À à ơi! Tiếng ru muôn đời.

Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui .
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi!
Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi.
Thoắt ngàn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi!

Tôi yêu tiếng ngang trời.
Những câu hò giận hờn không nguôi!
Nhớ nhung hoài mảnh tình xa xôi.
Vững tin vào mộng đẹp ngày mai.

Một yêu câu hát Truyện Kiều.
Lẳng lơ như tiếng sáo diều (ư diều) làng ta
Và yêu cô gái bên nhà.
Miệng xinh ăn nói mặn mà (ừ mà) có duyên.

Vì thế cho nên, “Tôi yêu tiếng nước tôi”, “Tôi yêu tiếng ngang trời”, yêu từ “những câu hò giận hờn không nguôi”, rồi yêu cả những “mảnh tình xa xôi”, nên trong lòng vẫn sẽ luôn luôn “vững tin vào mộng đẹp ngày mai”. Những gì Tôi yêu quý chỉ là đơn giản như thế thôi, đơn giản chỉ là yêu một “câu hát Truyện Kiều/ Lẳng lơ như tiếng sáo diều làng ta”, “Và yêu cô gái bên nhà/ Miệng xinh ăn nói mặn mà có duyên”. Chỉ đơn giản như thế nhưng sẽ yêu bằng chính con tim mình, yêu đến hết cả cuộc đời.

Phần 2, là phần ông bày tỏ tình yêu của mình với non sông Việt Nam, từng địa danh được ông nêu lên lần lượt như là một bức tranh non nước vô cùng hài hòa mà tươi đẹp trải dài trên cả đất nước.

Việt Nam dần hiện ra một cách rõ ràng nhất với những ngôn từ “nằm phơi phới bên bờ biển xanh”, với những cánh đồng bát ngát, bao la “vun sóng ra Thái Bình” để mà “nhìn trùng dương hát câu no lành”. Đối diện song song đó là “Dãy Trường Sơn ẩn bóng hoàng hôn”, là “đất miền Tây chờ sức người vươn”. Rồi cả “núi rừng cao miền Bắc lửa thiêng”, và cả “lúa miền Nam chờ gió mùa lên”. Còn cả những con “sông trường” chảy dài trong trí nhớ như sông Hương đầy những chan chứa “ái tình”, sông Cửu Long giúp viết bao con người có cuộc sống “no đầy” và cả “máu sông Hồng đỏ vì chờ mong”.

Tôi yêu đất nước tôi, nằm phơi phới bên bờ biển xanh.
Ruộng đồng vun sóng ra Thái Bình.
Nhìn trùng dương hát câu no lành.

Đất nước tôi! Dãy Trường Sơn ẩn bóng hoàng hôn.
Đất miền Tây chờ sức người vươn, đất ơi!
Đất nước tôi! Núi rừng cao miền Bắc lửa thiêng.
Lúa miền Nam chờ gió mùa lên, lúa ơi!

Tôi yêu những sông trường.
Biết ái tình ở dòng sông Hương.
Sống no đầy là nhờ Cửu Long
Máu sông Hồng đỏ vì chờ mong.

Người yêu thế giới mịt mùng.
Cùng tôi ôm ấp ruộng đồng (ư đồng) Việt Nam.
Làm sao chắp cánh chim ngàn
Nhìn Trung, Nam, Bắc kết hàng (là hàng) mến nhau.

  Biển bạc, rừng vàng, đồng lúa bao la, đó chính là “đất nước tôi”, cũng chính vì lẽ đó mà “tôi yêu đất nước tôi” - yêu từ những cành cây, ngọn cỏ, từ sông suối, biển hồ, đến đồng bằng đồi núi, yêu lắm những gì đã tạo nên một Việt Nam hùng vĩ mà nên thơ, nhỏ bé mà anh hùng.

Mời quý vị nghe ca khúc "Tình Ca" Trình bày: Vũ Khanh

Bấm vào đây để nghe ca khúc "Tình Ca" Trình bày: Vũ Khanh

Nhưng đâu phải chỉ mình Tôi yêu mà hàng ngàn, hàng vạn những con người như Tôi đều yêu “đất nước tôi”, thế cho nên “Người yêu thế giới mịt mùng/ Cùng tôi ôm ấp ruộng đồng Việt Nam”, thế cho nên mọi người đều luôn luôn có chung một niềm mong ước rằng “Làm sao chắp cánh chim ngàn/ Nhìn Trung, Nam, Bắc kết hàng mến nhau.”

Phần 3, phần cuối cùng của bài hát, tình yêu đất nước dạt dào được tác giả miêu tả rõ ràng qua tình yêu đối với từng con người nơi đây.

Những hình ảnh yêu thương ấy thật sự rất gần gũi với mỗi chúng ta - những con người Việt Nam - Đó là “bác nông phu, đội sương nắng bên bờ ruộng sâu”, dù cho đã “vài ngàn năm đứng trên đất nghèo” nhưng vẫn “mình đồng da sắt không phai màu”. Từ đời này sang đời khác, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, dù nghèo khó, vất vả nhưng bác nông phu vẫn miệt mài với công việc đồng áng không bao giờ nản lòng.

Rồi yêu sao “những mẹ quê chỉ biết cần lao”, “những trẻ quê bạn với đàn trâu” quanh năm với một “tấm áo nâu”, “rướn mình đi từ cõi rừng cao/ dắt dìu nhau vào đến Cà Mau”. Yêu lắm “áo ơi!”

Và từ hình ảnh đến những con người được đặt tên gọi tuổi với bao nhiêu cái họ không thể một lần mà ghi nhớ hết “Lý, Lê, Trần... và còn ai nữa”. Tất cả họ đều đã và sẽ là “Những anh hùng của thời xa xưa/ Những anh hùng của một ngày mai”.

Tất cả những điều đó là chính “vì yêu, yêu nước, yêu nòi” nên “Ngày Xuân tôi hát nên bài Tình Ca”, để mãi mãi cầu mong cho “ruộng xanh tươi tốt quê nhà”, chỉ cần như thế thì “lòng tôi đã nở như là đóa hoa”

Tôi yêu bác nông phu, đội sương nắng bên bờ ruộng sâu.
Vài ngàn năm đứng trên đất nghèo.
Mình đồng da sắt không phai màu.

Tấm áo nâu! Những mẹ quê chỉ biết cần lao.
Những trẻ quê bạn với đàn trâu, bé ơi!
Tấm áo nâu! Rướn mình đi từ cõi rừng cao.
Dắt dìu nhau vào đến Cà Mau, áo ơi!

Tôi yêu biết bao người
Lý, Lê, Trần... và còn ai nữa.
Những anh hùng của thời xa xưa.
Những anh hùng của một ngày mai.

Vì yêu, yêu nước, yêu nòi
Ngày Xuân tôi hát nên bài (ư bài) Tình Ca.
Ruộng xanh tươi tốt quê nhà.
Lòng tôi đã nở như là (ừ là) đóa hoa.

Có một điểm đặc biệt trong Tình Ca, là cứ mỗi cuối những phần đó nhạc sĩ Phạm Duy đều sử dụng một khổ thơ lục bát, đó là một thể loại thơ truyền thống của dân tộc Việt Nam ta được truyền lại từ rất lâu đời. Và cả cách ngắt nhịp và lặp lại của các từ như (ư diều), (ừ mà), (ư đồng), (là hàng), (ư bài), (ừ là) nghe đúng chất là  “dân ca Bắc Bộ”. Điều này càng làm cho bài hát có một màu sắc rất Dân Tộc, và càng thể hiện được tài năng và sự tinh tế của Phạm Duy - một nhạc sĩ gạo cội trong làng nhạc Việt.

Tôi cũng rất thích bản Tình Ca được thể hiện bởi rất nhiều ca sĩ trong Paris By Night 99 - Tôi Là Người Việt Nam, những ca sĩ cùng cất cao giọng hát càng làm tăng thêm tình yêu và sự hào hùng của dân tộc. Nghe rất là … “yêu”. Và khi đọc được một bình luận của một khán giả nghe nhạc như mình, tôi cảm giác như mình đang bắt được “một tình yêu cao quý”, tôi xin trích dẫn bình luận đó ở đây như sau:

“Trong kho tàng các nhạc phẩm của nước VIỆT, không tác phẩm nào ca ngợi quê hương hay, đẹp và hào hùng mà vẫn duyên dáng vô cùng như bài hát này của nhạc sĩ Phạm Duy; một bài ca bất hủ - nó vừa mang tinh thần âm nhạc của dân tộc, lại vừa mang hơi thở của thời đại; bao nhiêu năm trôi qua từ khi bài ca ra đời, mà người Việt - những ai yêu quê hương đất nước mỗi khi nghe lại, đều thấy rung động tới tận đáy lòng mình, tới mức ớn lạnh, nổi da gà khi bài ca đánh thức tất cả những cảm xúc dạt dào, thương mến và tự hào về nước VIỆT. 

Với tôi, khó có một bài ca của VN về tình yêu quê hương nào khác, có thể gây ấn tượng đẹp đẽ như vậy về sức mạnh của âm nhạc tác động lên người nghe như bài TÌNH CA này.

Dù có nghe đi nghe lại bao  nhiêu lần, từ năm này tới năm khác, xúc cảm vẫn vậy; không thay đổi, nó chứng tỏ giá trị cuả một tác phẩm nghệ thuật chân chính, đỉnh cao,  sẽ có giá trị trường tồn. Tôi cũng từng yêu mến một số bài ca khác, của các tác giả khác, nhưng nó chỉ có giai đoạn, sau đó là không muốn nghe nữa.”