Hoàn cảnh ra đời và ý nghĩa ca khúc "Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang" (Phạm Duy - Ngọc Chánh) _ Xưa

   

Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang là một ca khúc nhạc phim, được hai nhạc sĩ tên tuổi Phạm Duy và Ngọc Chánh cùng kết hợp sáng tác (Nhạc sĩ Phạm Duy đặt lời trên nền nhạc do nhạc sĩ Ngọc Chánh viết) để làm nhạc chính cho bộ phim cùng tên của đạo diễn Lê Hoàng Hoa vào năm 1971. Bộ phim được chuyển thể từ một tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Duyên Anh có tên “Vết Thù Hằn Trên Lưng Con Ngựa Hoang”.

Theo như điều tra của giới ký giả lúc bấy giờ, thì nhân vật chính trong câu chuyện của nhà văn Duyên Anh không hoàn toàn là hư cấu, mà được xây dựng trên một nhân vật có thật, được đàn anh chị có tiếng thời đó là Đại Cathay tôn làm quân sư có tên là Hoàng Sayonara. Sỡ dĩ hắn có cái tên Sayonara là vì hắn chơi guitar rất hay một bài hát cùng tên rất thịnh hành lúc đó. Được tôn là quân sư là vì hắn vốn là một người có học, thậm chí là học rất giỏi. Với thành tích học của hắn có thể đỗ vào một trường võ bị lúc bấy giờ. Nhưng chỉ vì ham chơi, nhác học nên mới dấn thân vào con đường “du đãng”.

Nhạc sĩ Phạm Duy và vợ

Nhạc sĩ Ngọc Chánh

Bài hát chính là lời tâm sự về cuộc đời của một giang hồ thứ thiệt, như một con ngựa hoang ngang tàn “dẫm nát tơi bời” những đồng cỏ “xanh ngát lưng trời”. Nó điên cuồng thể hiện sự hoang dại “giữa cánh đồng dưới cơn giông”, vì “trên lưng cong oằn” “những vết roi vẫn in hằn”. Hình ảnh đó là sự miêu tả chân thực về cuộc sống điên cuồng của một tên du đãng thứ thiệt. Hoàng Sayonara vốn có một lối sống rất trác táng, rất nhiều lần gây chấn động báo giới tại các vũ trường nức tiếng Sài Gòn bấy giờ, thậm chí còn kinh động đến hình cảnh và bị bắt nhốt lại vẫn không chừa (nên hắn còn được gọi bởi một cái tên gác là Ngựa hoang). Có lẽ đó tâm tư của một chàng trai mới lớn,vì chưa thể định hướng được cuộc đời của chính mình, nên khi bất mãn một điều gì đó (trong cuộc sống) nên hắn mới thành ra như vậy.

Ngựa hoang nào dẫm nát tơi bời
Đồng cỏ nào xanh ngát lưng trời
Ngựa phi như điên cuồng
Giữa cánh đồng dưới cơn giông
Vì trên lưng cong oằn
Những vết roi vẫn in hằn

Một hôm ngựa bỗng thấy thanh bình
Thảm cỏ tình yêu dưới chân mình
Ân tình mở cửa ra với mình
Ngựa hoang bỗng thấy mơ
Để quên những vết thù

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang" Trình bày: Elvis Phương

Bấm vào để nghe ca khúc "Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang" Trình bày: Elvis Phương

Nhưng con ngựa hoang có ngang tàn đến mấy, thì cũng sẽ có lúc được thuần hóa. Anh ta cũng vậy, khi thấy được “thảm cỏ tình yêu dưới chân mình” thì “ngựa bỗng thấy thanh bình”. Tâm hồn cũng tự nhiên mà mở cửa, đón những làn gió mát mà trước giờ chưa từng được cảm nhận. Và con “Ngựa” đó cunga muốn quên đi “những vết thù” vốn tưởng đã in hằn trên lưng mình từ rất lâu. 

Nó “muốn về tắm sông nhẫn nhục” và “quên thù oán căm”. Vì trong tâm hồn nó giờ đã cảm nhận được “dòng sông mơ màng mát trong thơm ngọt”, đã cảm thấy cuộc sống tối tăm đang dần được một thưa ánh sáng tươi đẹp chiếu soi. Đó có lẽ là sức mạnh, sự cảm hóa của hai chữ tình yêu. Hoàng Sayonara đã có một quãng thời gian êm đẹp khi bỏ đi tất cả sự ngang tàn, hoang dại để sống chung cùng người mà hắn yêu thương. 

Nhưng số phận oái oăm, vì mong muốn vợ và đứa con thơ sắp chào đời có một cuộc sống sung túc hơn, hắn quyết định quay lại con đường cũ, làm một phi vụ cuối cùng. Hắn cùng một băng giang hồ khác cùng đi chôm chỉa đồ PX của lính Mỹ, nhưng thất bại. Oái oăm hơn là từ đó hắn cũng không còn thấy được ánh mặt trời nửa, và cả mặt đứa con sắp chào đời của hắn. Trên lưng hắn thực sự đã in hằn “những vết thù” vì đã hứng trọn một băng M -16 của quân cảnh Mỹ.

Ngựa hoang muốn về tắm sông nhẫn nhục
Dòng sông mơ màng mát trong thơm ngọt
Ngựa hoang quên thù oán căm
Từ nơi tối tăm về miền tươi sáng

Ngựa hoang về tới bến sông rồi
Cởi mở lòng ra với cõi đời
Nhưng đời ngựa hoang chết gục
Và trên lưng nó ôi
Còn nguyên những vết thù

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang" Trình bày: Chu Hoàng Tuấn

Bấm vào để nghe ca khúc "Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang" Trình bày: Chu Hoàng Tuấn

Con ngựa một khi đã được thuần hóa, có muốn quay lại mọi thứ cũng không còn toàn vẹn như lúc đầu được nữa. Đó có lẽ là kết quả của việc không thể dứt khỏi hoàn toàn con đường “du đãng” của hắn. Giá như hắn cứ thế sống cuộc đời yên bình mà hắn đã kịp nhận ra trong cuộc đời tăm tối đó. Dù có nghèo một chút thì cha con, vợ chồng đã có nhau. 

Câu chuyện này, theo như tôi thấy, nó để lại trong chúng ta một sự luyến tiếc cho nhân vật một cách kì lạ. Nó thể hiện rằng trong chúng ta luôn có một sự vị tha vô bờ dành cho những con người biết hối lỗi mà quay đầu. Vì chúng ta vẫn tiếc nuối cho cuộc đời ấy, khi nghe bài hát trong đầu tôi luôn văng vọng 2 từ “giá như”.

Elvis Phương có lẽ là người truyền tải tốt nhất, trọn vẹn nhất những cảm xúc mà bài hát muốn mang tới cho chúng ta. Trong băng nhạc được thu lần đầu, ông có thêm vào bài hát đó một đoạn huýt sáo. Đó như thương hiệu riêng biệt mang tên Elvis Phương. Điều đó càng làm tăng thêm sự hoang dại của con “ngựa hoang” trong bài hát và khiến người nghe cảm thấy rất tuyệt vời.