Hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa ca khúc "Bài Không Tên Số 4" (Vũ Thành An) - "Đời con gái cũng cần dĩ vãng, mà em tối chỉ còn tương lai..." _ Xưa

   

Khi kết thúc với mối tình trong bản Tình Khúc Thứ Nhất, cả một thời gian sau đó nhạc sĩ Vũ Thành An cảm thấy như cuộc đời mình đang chìm trong một màu buồn u ám, ông đớn đau, chới với và có cảm giác trống trải vô cùng nơi con tim - như không có gì có thể lấp đầy được hố sâu tổn thương đó.

Nhưng may mắn rằng trong thời gian đó ông đã gặp được một người phụ nữ, một người được ông xem như là một người bạn thân thiết, dù hơn một lần ông đã rung động bởi “nhan sắc” của cô, ông từng tâm sự trong hồi ký của mình rằng: 

“Từ lúc ấy, chúng ta chỉ coi nhau là bạn, nhưng lắm lúc anh không khỏi bị mê hoặc vì nét quyến rũ của em, nhất là đôi môi nũng nịu lúc nào cũng như muốn khóc. Một lần anh đánh bạo muốn hôn lên đôi môi đó, nhưng em đã nhẹ nhàng lảng tránh. Em càng lánh xa anh lại càng bị em cuốn hút, và có lần anh đã đánh bạo hỏi cưới em làm vợ. Em không từ chối và cũng không nhận lời, chỉ im lặng. Và chúng ta không bao giờ nhắc lại chuyện đó nữa…”

Dù chưa bao giờ thực sự bắt đầu nhưng câu chuyện tình “nửa vời” ấy cũng đã kết thúc. Qua những lời tâm sự của nhạc sĩ chúng ta có thể thấy rằng những cảm giác của ông dường như đều là bộc phát trong những phút giây “yếu lòng”. Ông không gọi tình cảm của ông và cô gái ấy là tình yêu, bởi trong tận sâu con tim của ông, đó không hẳn là yêu mà là sự cảm thông, là sự thương cảm nhiều hơn.

Nhạc sĩ Vũ Thành An

Cô gái xinh đẹp đó là phụ trách thu âm cho chương trình Nhạc Chủ Đề được phát trên Đài phát thanh mà nhạc sĩ làm việc lúc đó, đồng thời là một trong 2 nữ xướng ngôn viên đầu tiên của đài truyền hình Sài Gòn kể từ khi bắt đầu thành lập. Thông minh, xinh đẹp, giỏi giang nhưng lại không có được một cuộc sống gia đình hoàn mỹ như mọi người vẫn tưởng.

Gia đình cô tan vỡ, chồng cô bỏ đi, để lại một mình người con gái nhỏ bé ấy phải gánh gồng để nuôi lấy ba người con, nhưng dường như điều này chỉ có một mình nhạc sĩ Vũ Thành An “được” biết, vì cô chỉ tâm sự với mỗi mình ông. Và điều đó đã đánh động rất lớn trong tâm hồn ông, cảm thông, thương cảm và có lẽ ông cũng khâm phục người phụ nữ ấy vô cùng nên đã dành tặng riêng cho cô một bản tình ca mang tên Bài Không Tên Số 04:

Khóc cho vơi đi những nhục hình
Nói cho quên đi những tội tình
Đời con gái cũng cần dĩ vãng
Mà em tôi chỉ còn tương lai 

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Bài Không Tên Số 4" Trình bày: Tuấn Ngọc

Bấm vào giữa hình trên để nghe "Bài Không Tên Số 4" Trình bày: Tuấn Ngọc

 Mời quý vị nghe lại ca khúc "Bài Không Tên Số 4" Trình bày: Ngọc Lan

Bấm vào giữa hình trên để nghe "Bài Không Tên Số 4" Trình bày: Ngọc Lan

Cứ mỗi lần gặp “anh nhạc sĩ” cô gái đều khóc òa, khóc để “cho vơi đi những nhục hình”, cho vơi đi nỗi đớn đau, sự bất hạnh đang xâm lấn lấy tâm hồn cô. Và cô cũng nói, cũng tâm sự, cũng kể về cuộc đời mình để muốn bản thân “quên đi những tội tình”, quên đi bớt những đắng cay mà cô đang phải âm thầm gánh chịu. Cô, một người con gái mà người ta nhìn vào sẽ phải ngưỡng mộ, phải khâm phục và ước ao - nhưng họ đâu biết rằng cô cũng chỉ là một người phụ nữ yếu đuối như bao người, cuộc đời cô “cũng cần dĩ vãng”, nhưng dĩ vãng của cô chỉ toàn là đớn đau, những niềm vui, hạnh phúc đã biến tan như mây khói chỉ để lại cho cô một tương lai mịt mờ ở phía trước.

Con đường mà cô phải đi, dù khổ đau, dù u buồn, dù “nước mắt có cạn” cũng không được phép dừng lại, vì cô “thương cho đàn con”, vì cô còn phải làm điểm tựa, làm niềm tin cho các thiên thần nhỏ của mình, chúng không có lỗi, cũng không đáng để chịu những đau đớn do người lớn tạo nên. Thế cho nên cuộc đời cô có buồn, có đớn đau cô cũng đành chôn dấu sâu tận trong góc tối của con tim mà nở nụ cười mạnh mẽ, nụ cười ấy là điều mà cô muốn sẽ đem lại niềm hạnh phúc cho các con mình. Và nụ cười ấy cũng là điều mà cô cho cả thế giới này nhìn thấy. Thế cho nên “Triệu người quen có mấy người thân/ Khi lìa trần có mấy người đưa?” - thế cho nên, trên thế giới này mấy ai có thể hiểu được cô, hiểu được những điều mà cô đang phải gánh chịu - họ chỉ mãi nhìn vào nụ cười ấy của cô, nhìn vào sự giỏi giang, và công việc thành công của cô để mà ngưỡng mộ, để mà chuyện trò. Thế gian là thế, có những điều, những thứ bề ngoài chúng ta nhìn thấy là thế nhưng bên trong thì chưa hẳn sẽ như thế. Đôi khi cô muốn trình bày, muốn giải thích, muốn yếu đuối nhưng để cho ai xem? Họ thực sự đâu có quan tâm (đây cũng là câu hát mà chính tác giả cũng thừa nhận rằng nó hay nhất trong toàn bài hát. nó cũng phản ánh rất rõ ràng hiện thực của xã hội, của người với người).

Mai về sau nước mắt có cạn
Khi xa đời thương cho đàn con
Triệu người quen có mấy người thân
Khi lìa trần có mấy người đưa?

Nhìn cô gái ấy, anh thương xót vô cùng, cũng ngưỡng mộ vô cùng sự mạnh mẽ của cô. Anh mong rằng, những giọt nước mắt trút bầu tâm sự của cô cùng anh sẽ xóa tan đi được phần nào những “những kỷ niệm đắng” trong cuộc đời cô, mong rằng cô gái nhỏ ấy sẽ có một cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc. Và thậm chí, anh còn mong rằng những “lời nói yêu thương ngày xưa” sẽ trở về bên cô, nguyên vẹn như ngày đầu, để cho cuộc đời sẽ không còn nữa những nhọc nhằn, những đau thương. Nhưng liệu điều đó có thể hay không? Dù có hay không thì anh cũng thật lòng mong muốn cho cô được bình yên, được hạnh phúc. 

Lệ xóa cho em được không những kỷ niệm đắng
Lời nói yêu thương ngày xưa có trở về tìm?
 
Đếm cho em giây phút mặn nồng
Giữ cho em mái tóc bồng
Lời anh nói sẽ còn mãi đấy
Truyện mai sau xin gửi trên tay

Và rồi anh chợt nghĩ rằng, có khi bản thân anh có thể sẽ mang lại cho cô chút an ủi, chút niềm vui và hạnh phúc về sau. Anh thương cô, muốn gánh vác một chút nhọc nhằn của cuộc sống giùm cô, muốn “đếm cho em giây phút mặn nồng” và cũng muốn “giữ cho em mái tóc bồng”. Và anh cũng đã nói ra mong muốn đó của mình với cô, nhưng “lời anh nói sẽ còn mãi đấy/ truyện mai sau xin gửi trên tay” - cô chỉ im lặng, như là một lời chối từ đầy tinh tế.

Có lẽ những điều đã trải qua trong cuộc đời đã làm cho cô hiểu được sâu sắc rằng anh chỉ là đang thương cảm cho hoàn cảnh của chính mình. Anh nói ra lời nói đó, cô biết ơn vô cùng, cũng cảm động vô cùng nhưng hiện thực và tưởng tượng sẽ không bao giờ là giống nhau. Cô không muốn làm khổ một người bạn tri kỷ như anh, không muốn tình cảm đáng trân trọng giữa họ sẽ mất đi vào một ngày nào đó và có lẽ cô cũng sợ rằng bản thân mình sẽ phải gánh chịu thêm một nỗi đớn đau lần thứ 2 nữa.

Mỗi con người trong cuộc đời này sẽ có một cuộc sống riêng, một vận mệnh riêng, cho nên chúng ta cũng nên thuận theo lẽ tự nhiên mà thôi.

Có lẽ nhạc sĩ Vũ Thành An cũng không thể hình dung ra cuộc sống sau này nếu như cô gái ấy nhận lời ông, và ngay chính ông cũng bàng hoàng khi nói ra những lời nói đó. Nhưng đến tận sau này có lẽ ông sẽ hiểu được vì sao mình lại như thế. Hiểu được vì sao không gọi là tình yêu thì cũng sẽ có một câu chuyện tình để đời như là Bài Không Tên Số 04.

Lối Cũ biên soạn