1997 là năm đầu tiên Việt Nam được kết nối Internet toàn cầu, cũng là lúc đánh dấu những thay đổi và hoà nhập thế giới. Tuy nhiên, Internet vào thời điểm đó không phổ biến, chỉ được một số doanh nghiệp lớn sử dụng và hầu như không có hộ gia đình nào được kết nối Internet rộng rãi. Vì vậy mà cuộc sống của những đứa trẻ tháng năm đó cũng hoàn toàn khác bây giờ.
Nếu bạn là những đứa trẻ 90’s chắc chắn bạn sẽ vẫn nhớ trước ngày Wi-Fi được phát miễn phí, bạn đã làm những trò “khùng điên” này để qua ngày dài.
1. Xem một tập phim 80 lần
Trước khi có điện thoại, máy tính chơi điện tử thì chúng ta đã có một thời cắm mặt vào ti vi từ sáng đến tối mà không biết chán. Và trong số đó, chắc chắn có một bộ phận rất đông đã xem lại các tập phim bộ hay phim hoạt hình được nhà đài chiếu đi chiếu lại 2 3 lần 1 ngày. Mỗi đứa trẻ ở những năm không có Wi-Fi phủ sóng khắp nơi để xem lại bộ phim mà chúng thích, vì vậy mà mỗi tập phim chúng đều cố gắng xem đến khi thuộc hết các chi tiết thì thôi.
2. Đi chơi game thùng
Đứa nào nhiều tiền hơn một chút thì tụ tập nhau chơi game thùng của một gia đình mở tiệm game trong xóm. Những trò điện tử không kết nối Internet, không sử dụng Wi-Fi, những gì mà cỗ máy này cần chỉ là đồng xu, và trong đó là hàng đống game mà đứa nào cũng phải đứng xếp hàng để được chơi.
3. Một máy tính bàn cả nhà dùng chung
Bạn có trải qua việc tranh giành máy tính trong một gia đình có nhiều anh chị em chưa? Internet vào thời đó là mạng dây cắm vào máy tính bàn, và nhà khá giả một xíu thì mới sở hữu được máy tính. Nếu bạn có nhiều anh chị em thì việc chia thời gian sử dụng máy tính cũng là bài toán gây mất lòng trong gia đình rồi. Để sử dụng được Internet có khi còn phải đợi 1 – 2 ngày sau mới đến lượt mình vì cả ngày còn đi học và làm bài tập.
4. Chơi game giáo dục ở phòng tin học trong trường
Thời không Wi-Fi, ở trường cũng chẳng bao giờ kết nối Internet, vì vậy mà các game vừa học vừa chơi như “đánh bàn phím nhanh”, “đoán chữ cho cá ăn” hoặc “điền vào chỗ trống để học tiếng Anh” là những game thú vị đối với bọn học sinh thời đó rồi, và đứa nào cũng nôn nao đến ngày học tin học để chơi.
5. Cách nói chuyện duy nhất là gặp nhau
Cách mà mọi người ngày xưa trò chuyện chính là gặp gỡ nhau trực tiếp còn nếu ở xa thì là điện thoại bàn. Không có điện thoại, không Wi-Fi, không có các cuộc gọi miễn phí hay video trực tiếp. Cách duy nhất để rủ rê đi chơi là qua nhà gặp nhau.
6. Tiệm net là thiên đường
Từ khi có Internet thì tiệm net cũng mọc lên như nấm vì không phải nhà đứa nào cũng có máy tính, và tất nhiên mỗi ngày đều có hàng trăm đứa học sinh thời ấy cắm mặt ở tiệm net sau giờ học hay thậm chí trốn học để đi chơi. Rồi những tiệm net cũng chìm vào quá khứ khi Wi-Fi có mặt và máy tính bàn cũng ít người sử dụng hơn.
7. Radio vẫn là kênh nghe nhạc của rất nhiều người
Khi các chương trình ca nhạc và gameshow chưa nhiều như ngày nay, mỗi khi muốn nghe các ca khúc mới hay các chương trình, radio vẫn là một lựa chọn không tồi. Có rất nhiều bạn trẻ còn gửi thư, tặng nhau những ca khúc hay trên sóng radio, tuổi thơ của những đứa trẻ 90’s chính là những giây phút hồi hộp đợi nghe bài hát mình thích trên sóng radio.
8. Ký ức về những sợi dây điện chằng chịt
Khi máy bàn và mạng dây kết hợp sẽ ra tổ hợp những sợi dây điện vừa to vừa cồng kềnh, mỗi khi rớt mạng, việc tìm kiếm sợi dây kết nối mạng cũng là cả một vấn đề nhức đầu với nhiều người.
9. Những tiệm đĩa game
Khi chưa có trò chơi điện tử online, game offline là niềm mơ ước của rất nhiều đứa trẻ, và những tiệm đĩa game chính hãng hay game lậu đều làm say đắm cô cậu bé ngày đó.
10. Ngoài phố nhiều trẻ con
Không có Wi-Fi, không thiết bị di động, cuộc sống của tụi nhỏ khi ấy là gặp nhau để chơi nhảy dây, banh đũa cho qua hết mùa hè, vì vậy mà khắp hẻm, khắp xóm luôn có bóng dáng và tiếng cười rôm rả của tụi trẻ con. Nhưng thời đại nhiều thay đổi và sự phát triển của công nghệ khiến chúng ta hầu như rất ít bắt gặp trẻ con trong xóm chơi với nhau, vì chúng còn mải cắm mặt vào smartphone riêng rồi.
Nếu đã lớn và trải qua những năm 1990 hay 2000, chắc chắn bạn sẽ thầm cảm ơn vì Wi-Fi không đến sớm và chúng ta đã có một tuổi thơ “dữ dội” ngoài Wi-Fi và thiết bị di động.