Tạ Từ Trong Đêm là một nhạc phẩm được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sáng tác vào khoảng năm 1964 - 1965. Bài hát khi mới ra đời do chính tác giả và cũng là ca sĩ Nhật Trường giới thiệu lần đầu tiên đến khán giả và sau đó được biết đến với sự thể hiện vô cùng thành công của ca sĩ Phương Dung.
Không kể đến sự thành công của cô Phương Dung trong những bài hát mà cô thể hiện trước đó và gắn liền với tên tuổi của cô như Nỗi Buồn Gác Trọ, Những Đồi Hoa Sim… thì Tạ Từ Trong Đêm cũng là một bài hát mang đến cho cô rất nhiều thành công khi đạt được 2 giải thưởng là: Bài hát xuất sắc nhất năm và huy chương vàng cho ca sĩ hát tân nhạc năm 1965 do đọc giả của báo chí Sài Gòn bình chọn.
Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh (ca sĩ Nhật Trường)
Mời quý vị nghe ca khúc “Tạ Từ Trong Đêm” Trình bày: Đan Nguyên, Hà Thanh Xuân
Bấm vào giữa hình trên để nghe “Tạ Từ Trong Đêm” Trình bày: Đan Nguyên, Hà Thanh Xuân
Nội dung của bài hát viết về cuộc chia tay đầy nghẹn ngào của một đôi uyên ương trong đêm trước khi chàng trai khoác áo lính ra chiến trường. Đây là một đề tài không hề mới đối với các nhạc sĩ trong giai đoạn đó, giai đoạn mà đất nước vẫn đang còn ngập trong những khó khăn của khói lửa chiến chinh.
Dù không mới nhưng chủ đề này lại luôn “được lòng” của khán giả yêu nhạc. Có lẽ bởi khi đó, tâm tư của họ đều là như vậy, và cho đến tận bây giờ, đó vẫn như là một hồi ức tốt đẹp, và là một phần ký ức mà người đời trước muốn kể lại cho người đời sau:
Thăm thẳm chiều trôi, khuya anh đi rồi sao trời đưa lối
Khi thương mến nhau hai người hai ngả tránh sao bồi hồi
Hẹn gặp nhau đây đêm thâu lá đổ,
sương giăng kín mờ nhạt nhòa ước mơ
Đã gặp nhau rồi, sao em không nói,
sao em cúi mặt, em giận hờn anh chăng?
“Thăm thẳm chiều trôi, khuya anh đi rồi sao trời đưa lối” - Đó là câu hát mở đầu của Tạ Từ Trong Đêm. Người con gái ấy, chan chứa trong lòng một nỗi buồn nặng trĩu, vì người mà cô yêu thương, qua buổi chiều nay đã phải lên đường đi chinh chiến. Mà “khi thương mến nhau hai người hai ngả tránh sao bồi hồi” - dù biết rằng đó là nhiệm vụ của anh, dù biết trước được sự cách xa, dù đã chuẩn bị tinh thần cho điều đó nhưng nói không buồn thì làm sao mà được cơ chứ?!
Mời quý vị nghe liên khúc “Tạ Từ Trong Đêm, Từ Đó Em Buồn” Trình bày: Phương Dung, Băng Tâm
Bấm vào giữa hình trên để nghe “Tạ Từ Trong Đêm, Từ Đó Em Buồn” Trình bày: Phương Dung, Băng Tâm
Hai người, hẹn gặp nhau lần cuối trước khi anh lên đường, “Hẹn gặp nhau đây đêm thâu lá đổ, sương giăng kín mờ nhạt nhòa ước mơ” - nhưng gặp nhau rồi cô lại không thể mở lời mà nói ra những tâm sự của lòng mình, khiến cho chàng trai cứ ngỡ như rằng cô đang giận anh - “sao em cúi mặt, em giận hờn anh chăng?”
Nhưng có phải đâu, giận dỗi làm gì, chỉ là cô buồn, cô tủi rồi không nói được thành lời mà thôi. Anh hiểu, anh rất hiểu, “Anh hiểu rồi đây khuya nay em về trăng gầy soi bóng/ Nên em cúi mặt ngăn dòng nước mắt phút giây tạ từ” - và anh cũng buồn lắm khi phải rời xa cô, rời xa tình yêu của mình. Nhưng anh đi, đâu phải tình yêu của anh sẽ kết thúc, nên “đừng buồn nghe em, tuy anh biết rằng xa xôi vẫn làm tâm tư héo mòn”, nên “nếu em đã trọn thương anh xa vắng/ xin em chớ buồn cho nặng lòng chinh nhân” - nên an ai ủi người mà anh thương
Anh hiểu rồi đây khuya nay em về trăng gầy soi bóng
Nên em cúi mặt ngăn dòng nước mắt phút giây tạ từ
Đừng buồn nghe em, tuy anh biết rằng xa xôi vẫn làm tâm tư héo mòn
Nếu em đã trọn thương anh xa vắng
Xin em chớ buồn cho nặng lòng chinh nhân
Nếu em biết rằng có những người đi đấu tranh chưa về
Mang lời thề lên miền sơn khê
từng đêm địa đầu hun hút gió sâu
Nếu em đã gặp mẹ già thương con khấn nguyện đêm rằm
Vợ yêu chồng đan áo lạnh từng đông
Thì duyên tình mình có nghĩa gì không?
Anh muốn cô vơi bớt đi những nỗi buồn của sự chia ly lúc này, muốn cô mạnh mẽ lên, vui vẻ lên và đợi chờ anh. Nên anh nói với cô rằng “Nếu em biết rằng có những người đi đấu tranh chưa về/ Mang lời thề lên miền sơn khê, từng đêm địa đầu hun hút gió sâu”, và “nếu em đã gặp mẹ già thương con khấn nguyện đêm rằm”, gặp “vợ yêu chồng đan áo lạnh từng đông” - thì có lẽ cô sẽ mạnh mẽ hơn, thì cô sẽ thấy “duyên tình mình” sẽ chẳng nghĩa lý gì so với những điều đó…
Qua tất cả những lời nói của mình, anh chỉ mong rằng cô sẽ thôi cúi mặt, thôi chảy những dòng nước mắt khiến anh đau lòng, khiến anh xót xa mà nói cùng anh một lời trước lúc tạ từ. Nhưng cô cứ vẫn như thế, cứ cúi đầu và khóc trong lặng im.
Đành thế, trước lúc rời đi “Anh hỏi một câu khi trong đêm dài vọng về tiếng súng/ Sao em cúi mặt không nhìn đôi mắt hứa thương em trọn đời?” - Nhưng vẫn cứ như thế, cô tiễn bước chân anh trong lặng im. Anh cũng rời đi, “Đầu đường chia phôi anh không nói gì/ Nên phong kín lời hẹn tình lứa đôi” - Anh hiểu người con gái ấy, anh biết cô thương anh nhiều như thế nào, buồn nhiều như thế nào khi hai người cách xa, khi anh đi mà không hẹn ngày trở lại - Chia xa, hai người yêu nhau, tình yêu dạt dào thì không buồn sao cho được bây giờ??
Anh hỏi một câu khi trong đêm dài vọng về tiếng súng
Sao em cúi mặt không nhìn đôi mắt hứa thương em trọn đời
Đầu đường chia phôi anh không nói gì
Nên phong kín lời hẹn tình lứa đôi
Nếu anh có về khi tàn chinh chiến
Xin em cúi mặt giấu lệ mừng nghe em
Anh hiểu chứ, nhưng trước lúc ra đi, anh chỉ muốn động viên, an ủi cô một chút để cô có thể an lòng và anh cũng được an lòng mà bước đi. Ngoái đầu nhìn lại người mà mình thương, trong lòng anh thầm ước nguyện “Nếu anh có về khi tàn chinh chiến/ Xin em cúi mặt giấu lệ mừng nghe em” - Anh chỉ mong cô sẽ cứ như lúc này, cứ cúi đầu mà giấu đi những giọt lệ đang lặng lẽ rơi xuống, nhưng thay bằng những giọt lệ u sầu của lúc này, khi anh về sẽ là những giọt lệ của niềm vui và hạnh phúc.
Tạ Từ Trong Đêm của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh là một bài hát nhạc vàng khá nổi tiếng với đề tài chia ly trong thời chinh chiến này, cho đến tận ngày hôm nay.
Trong bài hát này, nếu chú ý sẽ thấy nhạc sĩ rất khéo léo khi dùng từ, thay vì dùng "tiễn đưa" hay "tạm biệt", tác giả lại khéo léo chọn "tạ từ" có nghĩa là tạ ơn và từ biệt - rất thi vị nhưng cũng đầy ý nghĩa. Đó là một cách dùng chữ tinh tế thể hiện được sự biết ơn đối với người lính, người yêu của mình khi đã dũng cảm đi ra chiến trường, chưa biết khi nào trở về mà có khi cũng không thể trở về được.