Hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa tuyệt phẩm "Bài Thánh Ca Buồn" (Nguyễn Vũ) - Ca khúc bất hủ của những mùa giáng sinh _ Xưa

Bài thánh ca đó còn nhớ không em?
Noel năm nào chúng mình có nhau.

Có lẽ những giai điệu đó, những ca từ đó đã quá là quen thuộc với tất cả chúng ta - không có gì là sai khi nói rằng không ai là không biết đến ca khúc này. Đây chính là Bài Thánh Ca Buồn, một sáng tác vô cùng nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Vũ.

Bài hát ra đời vào tháng 10 năm 1972 từ lời đề nghị của một nhà sản xuất âm nhạc nhân mùa Noel năm ấy. Nhiều ngày liền, ông loay hoay tìm đề tài thì một hôm, bất chợt giai điệu của bài hát bất hủ Silent Night (Bài Thánh Ca có tên Việt là Đêm thánh vô cùng, lời: Josef Mohr, nhạc: Franz Xaver Gruber) vang lên. Bài hát này gợi cho ông rất nhiều cảm xúc để hồi tưởng về thời thơ ấu. Ông đã từng nói về điều này rằng: “Thuở ấy, tôi là một cậu bé 14 tuổi, ngày ngày đi lễ ở nhà thờ Con Gà (Đà Lạt), sở dĩ tôi “chịu khó” đi lễ bởi vì phát hiện ra một cô gái rất xinh và ngoan đạo, mỗi ngày vẫn ngang qua ngõ nhà tôi để đến nhà thờ. Trái tim vụng dại của thằng con trai mới lớn đập loạn nhịp trước bóng hình thiếu nữ tóc xõa vai mềm bềnh bồng trong gió cao nguyên…”

Nhạc sĩ Nguyễn Vũ (ảnh chụp năm 1968)

Cô gái mà nhạc sĩ “để ý” ấy thực tế lớn hơn ông hai tuổi. Sau đó, vào một lần tan Lễ Giáng sinh, ông vẫn theo bước chân cô thì trời bỗng đổ mưa, cô gái nép vội vào mái hiên một ngôi nhà trú mưa và tất nhiên nơi đó có cả ông. Hòa lẫn trong tiếng mưa là giai điệu của bản Thánh Ca Đêm Thánh Vô Cùng vẳng ra từ một ngôi nhà gần đấy. 

Ông vẫn nhớ như in trong dòng hồi tưởng: “Tôi bất ngờ xúc động khi nghe cô nhẩm hát theo bài Đêm thánh vô cùng với một chất giọng khá hay. Vì vậy, nghe lại bài hát này, trong tôi, kỷ niệm xưa chợt ùa về và những giai điệu cứ thế tuôn trào. Chỉ trong gần hai tiếng đồng hồ, tôi đã ký âm xong bài hát và khi cầm đàn guitar chơi lại, chính tôi cũng cảm thấy xúc động”.

Và thế là chúng ta có một nhạc phẩm tuyệt vời mang tên Bài Thánh Ca Buồn vẫn luôn nổi tiếng cho đến tận ngày hôm nay:

Bài thánh ca đó còn nhớ không em?
Noel năm nào chúng mình có nhau
Long lanh sao trời đẹp thêm môi mắt.
Áo trắng em bay như cánh thiên thần.
Ngọt môi hôn dưới tháp chuông ngân.

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Bài Thánh Ca Buồn" Trình bày: Thái Châu

Bấm vào giữa hình trên để nghe "Bài Thánh Ca Buồn" Trình bày: Thái Châu

Trong miên man cảm xúc chàng nhạc sĩ ấy đã hỏi rằng “Bài thánh ca đó còn nhớ không em?” - Đó có lẽ là bài Thánh ca hay nhất mà anh đã từng được nghe, vì lúc đó có cả anh và cô - “Noel năm nào chúng mình có nhau”. Tình yêu ấy đã nhen nhóm trong lòng anh khi nhìn vào đôi mắt long lanh đẹp hơn sao trời đó của cô, và thật hạnh phúc khi tình yêu ấy anh đã được đáp lại. Đêm ấy, anh đã được cảm nhận trọn vẹn giây phút hạnh phúc nhất của cuộc đời mình - Anh được nhìn cô, nhìn đôi mắt long lanh ấy, nhìn “áo trắng em bay như cánh thiên thần” và hai người đã có những phút giây “ngọt môi hôn dưới tháp chuông ngân”, những phút giây ngọt ngào và hạnh phúc vô cùng.

Anh và cô, hai người còn “cùng nhau quỳ dưới chân Chúa cao sang” và cùng cầu xin “cho đôi mình suốt đời có nhau”. Trong đêm Noel lạnh giá này, anh và cô có lẽ đang ấm áp vô cùng vì đang được ở cạnh nhau, ngồi bên nhau, cùng chung tâm tưởng, chung ước mơ. Không gian giáo đường cũng tràn ngập ánh sáng, ngập tràn khúc nhạc Thánh ca. Và em cũng “khẽ hát theo câu: Đêm thánh vô cùng” - giọng hát ấy đã làm xuyến xao cả cõi lòng anh - “Ôi! Giọng hát em mênh mang buồn”

Cùng nhau quỳ dưới chân Chúa cao sang.
Xin cho đôi mình suốt đời có nhau.
Vang trong đêm lạnh bài ca Thiên Chúa.
Khẽ hát theo câu: Đêm thánh vô cùng.
Ôi! Giọng hát em mênh mang buồn.

Nhưng ngày đó cũng đã theo thời gian mà trôi xa mãi chỉ còn lại một mình anh cùng niềm thương và nỗi nhớ. “Lời hẹn đầu” ấy, giờ đây có lẽ cô đã quên đi rồi, quên đi cùng với cái giá buốt của mùa đông đã qua ấy - “Rồi một chiều áo trắng thay màu/ Em qua cầu xác pháo bay sau” - Cô đã thay màu áo trắng của năm xưa bằng một màu áo cưới, quên đi cả tình yêu của anh mà bước đi trên con đường mới, trên tình yêu mãi, chỉ để lại nơi đây một mình anh mãi không nguôi được nỗi nhớ về cô, về những tháng ngày đã từng hạnh phúc của quá khứ.

 Mời quý vị nghe lại ca khúc "Bài Thánh Ca Buồn" Trình bày: Elvis Phương

Bấm vào giữa hình trên để nghe "Bài Thánh Ca Buồn" Trình bày: Elvis Phương

Trong câu hát này, nhiều ca sĩ hát sai thành “ áo trắng phai màu”, nhưng đã được nhạc sĩ lên tiếng sửa chữa lại.

Rồi mùa giá buốt cũng qua mau.
Lời hẹn đầu ai nhớ dài lâu?
Rồi một chiều áo trắng thay màu.
Em qua cầu xác pháo bay sau.

Lời nguyện mình Chúa có nghe không?
Sao bây giờ mình hoài xa vắng?
Bao nhiêu đêm Chúa xuống dương gian.
Bấy nhiêu lần anh nhớ người yêu.

Có lẽ rằng lời nguyện cầu năm đó của anh và cô Chúa đã “không nghe” thấy, nên giờ đây chỉ còn lại mình anh quay quắt cùng với nỗi buồn vấn vương trong con tim này. Từng ngày, từng tháng cứ như vậy trôi qua, một Noel lại đến rồi lại đi nhưng tình yêu ấy trong anh vẫn không hề đổi thay - “Bao nhiêu đêm Chúa xuống dương gian/ Bấy nhiêu lần anh nhớ người yêu” - anh vẫn không thể nào ngăn được nỗi nhớ của mình dành cho cô, dù rằng giờ đây anh biết mình đã không còn một hy vọng nào để có thể bước đến tình yêu ấy nữa.

Một năm nữa lại đến, đêm nay, đêm “thế trần đón Noel” (ngụ ý của nhạc sĩ muốn nó “thế trần” ở đây là đảo ngược hai từ "trần thế" có nghĩa là “thế gian” là cõi của tất cả mọi người, nhưng hầu như ca sĩ đều hát sai lệch thành “thánh đường” khiến ông có đôi chút không vừa lòng) - mọi người khắp nơi đều đang vui vẻ, háo hức, riêng anh tâm hồn lại nặng trĩu không thôi. Anh đi, “lang thang qua miền giáo đường dấu yêu”, nghe đâu đó “tiếng thánh ca ngày xưa vang đêm tối” vọng lại, lòng anh lại càng thổn thức, anh nhớ, nhớ vô cùng, “nhớ quá đi thôi giọng hát ai buồn”. Và càng nhớ thì anh lại càng buồn hơn, càng cảm thấy tâm hồn mình lạnh giá, cô đơn hơn bao giờ hết.

Rồi những đêm thế trần đón Noel.
Lang thang qua miền giáo đường dấu yêu.
Tiếng thánh ca ngày xưa vang đêm tối.
Nhớ quá đi thôi giọng hát ai buồn!
Đêm thánh vô cùng lạnh giá hồn tôi.

Tựa đề là Bài Thánh Ca Buồn, nhưng chỉ là để nhắc nhớ lại bài Thánh ca mà nhạc sĩ đã từng được nghe trong quá khứ, chứ bản nhạc này hoàn toàn không phải là một bài thánh ca - mà có thể nói đây là một bản tình ca, bản tình ca buồn tha thiết đến buốt lạnh cả tâm hồn người nghe.

“Đến nay, Bài Thánh Ca Buồn vẫn luôn được người nghe yêu thích. Đó là điều chính tôi cũng không ngờ. Thật ra, ai trong đời cũng trải qua một thời yêu thương mơ mộng, mà thường những kỷ niệm buồn bao giờ cũng khắc sâu và dễ làm mềm lòng người mỗi khi được gợi lại. Có lẽ Bài Thánh Ca Buồn của tôi phần nào đã làm được điều đó chăng?” - Đó chính là lời của nhạc sĩ Nguyễn Vũ khi nói về đứa con bất tử của chính mình. Tôi cũng nghĩ như vậy, cuộc đời người tình yêu chính là điều khó để nói lên thành lời nhất, và bất cứ ai có lẽ khi đã trải qua những cảm xúc đó đều sẽ hiểu được, cảm nhận được được rất rõ ràng. Vậy nên, bài hát mới được yêu thích đến không ngờ như vậy có lẽ cũng trở nên dễ hiểu hơn mà không cần phải nói thêm bất cứ điều gì nữa.