Nhạc sĩ Hoài Linh vốn là một người nổi tiếng với biệt tài đặt lời cho bài hát rất tài tình, nên việc ông cùng các nhạc sĩ khác hợp tác viết ca khúc là một chuyện rất thường tình. Và những hợp tác đó đã đem lại cho ông và các nhạc sĩ cùng hợp soạn một thành công không hề nhỏ.
Kho tàng những ca khúc cùng hợp soạn của nhạc sĩ Hoài Linh phải nói và vô số, ông đã cùng các nhạc sĩ nổi tiếng như Minh Kỳ, Song Ngọc, Tâm An, Tuấn Khanh… tạo nên rất nhiều tác phẩm trường tồn theo thời gian cho đến tận bây giờ Trong số đó phải kể đến một tác phẩm khá đặc biệt được ông kết hợp cùng sáng tác với nhạc sĩ Tuấn Khanh mang tên Hai Kỷ Niệm Một Chuyến Đi.
Trước khi đi sâu vào cảm xúc mà bài hát mang lại, chúng ta nói thêm một chút về nhạc sĩ Tuấn Khanh. Ông là một người có sở trường sáng tác về nhạc trữ tình, các ca khúc của ông thường có những lời ca đẹp và rất lãng mạn. Và ông được công chúng biết đến nhiều hơn qua những ca khúc mang hơi thở của nhạc tiền chiến. Nhưng dù là dòng nhạc nào thì những ca khúc của ông, hay ông sáng tác chung với người khác thì đều để lại trong lòng người yêu nhạc một cảm xúc rất sâu đậm.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh (trái) - Nhạc sĩ Hoài Linh (phải)
Hai Kỷ Niệm Một Chuyến Đi được hai nhạc sĩ đồng sáng tác vào khoảng những năm 1964 đến 1965. Bài hát là một ca khúc viết về những cuộc tiễn đưa trong đời của một chàng trai.
Tôi đưa người đi bước chân hoa mộng vào đời.
Một chiều nhẹ mưa mây thành u buồn giăng lối.
Pháo vương trên đường dài,
mắt em xanh màu trời hết rồi ngày mai ơi!
Vào một buổi chiều như bao ngày khác, nhưng sao chiều nay cơn mưa từ đâu chợt kéo đến, làn mây cũng vây lại kết “thành u buồn giăng lối”. Sao trong một ngày “pháo vương trên đường dài” như vậy mà tâm tư anh lại buồn đến quặn thắt lòng người đến vậy? Là tại vì anh phải “đưa người đi bước chân hoa mộng vào đời”. Mới ngày nào khi hai người còn tình cảm mặn nồng, anh vẫn còn nghe “mộng đẹp trong vòng tay”. Nhưng giờ đây “cánh buồm theo lái”, những kỷ niệm giữa hai người cũng theo tiếng pháo hoa nổ tung khắp bốn phía, và chỉ còn lại xác pháo tan tành như cõi lòng anh. Nhìn “mắt em xanh màu trời” chan chứa đầy hy vọng khi lên xe hoa, mà lòng anh không thể kìm nén được những cảm xúc đau thương. Nhưng phải làm sao đây? Đó chính là sự thật phũ phàng nhất, hết rồi những yêu thương, cũng “hết rồi ngày mai ơi” - mộng đẹp về tương lai từ nay cũng chấm dứt.
Khi yêu nghe mộng đẹp trong vòng tay.
Có mấy ai ngờ chiều nay là đây?
Cánh buồm theo lái, những kỷ niệm buông trôi
Nói chi lần cuối.
Mời quý vị nghe lại ca khúc "Hai Kỷ Niệm Một Chuyến Đi" Trình bày: Như Quỳnh
Bấm vào giữa hình trên để nghe "Hai Kỷ Niệm Một Chuyến Đi" Trình bày: Như Quỳnh
Mời quý vị nghe lại ca khúc "Hai Kỷ Niệm Một Chuyến Đi" Trình bày: Ngô Quốc Linh
Bấm vào giữa hình trên để nghe "Hai Kỷ Niệm Một Chuyến Đi" Trình bày: Ngô Quốc Linh
Vừa mới tiễn người yêu đi lấy chồng, niềm đau vẫn chưa kịp nguôi ngoai thì “hôm nay bạn đi gót chân theo nhịp dạ hành”. Buồn càng thêm buồn khi anh phải nhìn người bạn “tuổi đời vừa xinh như nụ hoa nở thêm cánh” mang trên mình màu áo “chinh nhân” lên đường ra chiến tuyến. Tâm hồn anh vốn đã gãy đi một “nhịp cầu” khi phải đưa tiễn người trong lòng mình sang sang, giờ lại “gãy thêm nhịp cầu” nữa theo bước chân của người mà với anh là “bạn đường ta dìu nhau”.Vậy nên “Anh đi tôi ở mình vui được sao?”
Hôm nay bạn đi gót chân theo nhịp dạ hành.
Tuổi đời vừa xinh như nụ hoa nở thêm cánh.
Đã phân ly một lần, tiễn anh thêm một lần
áo đẹp màu chinh nhân.
Tôi anh đôi bạn đường ta dìu nhau
Anh đi tôi ở mình vui được sao?
Tiễn người yêu trước đến giờ bạn đi sau
gãy thêm nhịp cầu.
Không gian tuy bao la mà đầy trời mây.
Tâm tư khi duyên không tròn tìm nào thấy!
Nhìn lại không gian bao la nhưng lại chỉ có một mình, anh thầm thương xót cho sự cô đơn của riêng mình. Dù cho trần gian với muôn vàn những “lối đi” cùng những “hứa hẹn tràn đầy”, nhưng anh vẫn thấy “đời mình chỉ như bóng mây”. Anh nhìn lại bản thân giờ đây chỉ còn biết ôm những mộng tưởng mà nhớ về quá khứ với cuộc tình ngày xưa, còn tương lai thì xa xăm, mờ mịt như đã bị một cơn gió vô tình cuốn trôi.
Lối đi hôm nay hứa hẹn tràn đầy
Thế mà đời mình chỉ như bóng mây
Lầu không trăng soi tình xưa khôn nguôi
Và trong tương lai là cơn gió trôi.
Đôi khi chợt nghe tiếng tâm tư vọng nẻo về
Ngược dòng thời gian đưa hồn đi tìm quá khứ
Lúc môi không còn mềm, giấc mơ không nẻo tìm
Bóng ngả chiều hoang tím.
Anh cứ thế tiếp tục cuộc sống vô định của mình với nỗi cô đơn cấu xé hết tâm can. Rồi đôi khi ngược dòng thời gian anh tìm về trong quá khứ, lòng anh như sống lại những nỗi đau của ngày hôm ấy - cái ngày mà “môi không còn mềm, giấc mơ không nẻo tìm/ bóng ngả chiều hoang tím”. Dù biết cuộc sống sẽ không chờ đợi một ai mà vẫn từng ngày tiếp diễn, nhưng cõi lòng anh sao cứ như đã dừng lại ngay cái giây phút đau thương ấy. Và anh cảm thấy như bản thân mình chính là “bến tiễn đoàn tàu trong đêm”, là một “bến hoang im lìm” đầy cô đơn và hiu quạnh.
Nghe hơi sương lạnh chỉ e trời mưa.
Tay ôm kỷ niệm buồn ghi vào thơ.
Kiếp mình là bến tiễn đoàn tàu trong đêm,
bến hoang im lìm.
Mời quý vị nghe lại ca khúc "Hai Kỷ Niệm Một Chuyến Đi" Trình bày: Trường Vũ
Bấm vào giữa hình trên để nghe "Hai Kỷ Niệm Một Chuyến Đi" Trình bày: Trường Vũ
Một màu buồn của những cuộc chia ly trong cuộc đời với những người quan trọng - Ai cũng vậy, cũng sẽ có những người quan trọng nhất trong cuộc đời của chính mình. Vì vậy, khi phải rời xa những người ấy, tâm hồn ta dường như đã mất đi một thứ gì đó rất lớn lao. Một thứ mà không bao giờ diễn tả được. Cuộc sống vẫn tiếp diễn, là vô tình hay là cố ý, tâm hồn ta lại không thể được chữa lành bởi thời gian như ta vẫn lầm tưởng. Dù khi nhìn lại quá khứ, nhớ lại giây phút ấy lòng ta sẽ vẫn vẹn nguyên như đang sống lại với khoảnh khắc đó. Nỗi buồn đến quặn thắt con tim ấy, tôi đã nhìn thấy được trong Hai Kỷ Niệm Một Chuyến Đi. Không chỉ một lần một nỗi buồn, mà người con trai ấy phải nhận một lần những hai nỗi buồn - Thử hỏi tâm tư nào có thể giải bày hết? Làm sao có thể diễn tả được sự trống vắng nơi con tim nhỏ bé ấy đã phải chịu đựng? Có lẽ là vì không thể diễn tả được nên ấy ấy cũng chỉ đành “tay ôm kỷ niệm buồn ghi vào thơ” mà thôi.