Hoàn cảnh ra đời và ý nghĩa ca khúc "Quán Nửa Khuya" (Hoài Linh, Tuấn Khanh) - Trút tâm tư vào những đêm vắng canh dài _ Xưa

   

Không có gì để bàn cãi khi nói nhạc sĩ Hoài Linh chính là một nhạc sĩ nổi tiếng trong làng nhạc vàng đại chúng. Vì những thành công mà ông đã gặt hái được trong dòng nhạc này đã được minh chứng bởi rất nhiều ca khúc vượt thời gian như Về Đâu Mái Tóc Người Thương, Áo Em Chưa Mặc Một Lần, Căn Nhà Màu Tím… Và bởi vì vậy ông cũng là một trong những người hiếm hoi sống sung túc với công việc sáng tác của mình. Không chỉ vậy, biệt tài đặt lời bài hát của ông cũng vang xa khắp chốn, biết bao nhiêu là nhạc sĩ đã “đặt hàng” để được ông “hạ bút” viết lời cho bản nhạc của mình. Trong số đó có nhạc sĩ Tuấn Khanh.

Tuấn Khanh là một nhạc sĩ được biết đến nhiều với dòng nhạc mang âm hưởng tiền chiến (mà theo ông gọi là kiểu nhạc thính phòng). Vào khoảng đầu thập niên năm 1960, khi ông làm việc ở Đài phát thanh Sài Gòn với nhiệm vụ chính là phụ trách trông coi về mặt văn nghệ cho các ban nhạc ở đây, thì đã làm quen được với nhạc sĩ Hoài Linh (lúc này đang là thành viên của ban nhạc Vì Dân của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông). Thời gian này dòng nhạc vàng đại chúng cũng đang rất thịnh hành nên Tuấn Khanh cũng quyết định chuyển hướng sang sáng tác theo thể loại này. Và ông đã quyết định kết hợp sáng tác cùng nhạc sĩ Hoài Linh. Và bài hát đầu tiên hai người hợp soạn có lẽ chính là Quán Nửa Đêm.

Quán nửa đêm là tên gọi của một quán nhỏ ở chợ Ô Mễ, nay thuộc tỉnh Thái Bình, nó mở cửa đến tận 2 giờ sáng nên mới có tên gọi như vậy. Đó là nơi mà nhạc sĩ Tuấn Khanh thường hay ghé đến lúc ông vẫn còn ở Bắc Phần, nhưng chưa hồi cư về Hà Nội mà vẫn đang ở vùng tản cư vào khoảng 10 năm về trước. Quán nhỏ này bán cà phê và cháo gà xuyên đêm, với khách quan là nhiều người ở các chiến khu về thăm nhau, kéo nhau ra quán nửa khuya ngồi trò chuyện. Thời điểm đó nếu nói chuyện về tản cư, hồi cư… đều phải giữ kẽ vì sợ tai mách nhưng ở quán nhỏ giữa khuya này, mọi người được nói năng tự do, không sợ ai nghe lén cả.

Nhạc sĩ Hoài Linh (trái) và nhạc sĩ Tuấn Khanh (phải)

Khi nhớ về kỷ niệm đó, nhớ về quãng thời gian ngày nào cũng đến tận 2 giờ sáng, phải băng qua một cánh đồng đề trở về nhà từ quán nhỏ chợ Ô Mễ, nhạc sĩ Tuấn Khanh đã viết thành một bản nhạc, ông cũng viết luôn 1 câu hát đầu tiên của bài hát là: "Quán nửa khuya đèn mờ theo hơi khói…" . Sau đó ông đã mô tả lại câu chuyện và quán nhỏ năm xưa ấy cho nhạc sĩ Hoài Linh nghe để ông viết tiếp lời cho bài hát đang còn dang dở. Và ca khúc Quán Nửa Đêm cũng từ đó ra đời.

Quán nửa khuya đèn mờ theo hơi khói,
trút tâm tư vào đêm vắng canh dài,
quãng đời tôi tàu đêm vắng không người vẫn lặng trôi.
Tôi là người tha hương đi bốn phương.
Anh là người quân nhân vui gió sương.
Câu chuyện tâm tình vui theo khói bay tay cầm tay.

Nói bạn nghe từ khi say viễn xứ,
gót chân in ngàn muôn lối sông hồ,
áo sờn vai tìm đôi mắt u hoài bóng hình ai?
Hoa nào mà không phôi pha sắc hương?
Ân tình nào mà không gây vấn vương?
Lê đôi gót trên khắp chốn ngàn phương để tìm thương.

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Quán Nửa Khuya" Trình bày: Duy Khánh (thu âm trước 1975)

Bấm vào để nghe ca khúc "Quán Nửa Khuya" Trình bày: Duy Khánh (thu âm trước 1975)

Bài hát là câu chuyện gặp gỡ đầy cảm xúc của hai người bạn lâu ngày được gặp mặt. Trong không gian mờ ảo “theo hơi khói”, hai người đã cùng nhau trút hết bầu tâm sự “vào đêm vắng canh dài” về cuộc đời “đêm vắng không người vẫn lặng trôi” của Tôi và Anh (Tôi là người tha hương đi bốn phương/ Anh là người quân nhân vui gió sương). Tôi kể Anh nghe cuộc đời “say viễn xứ” của đời mình, là một cuộc chu du đi tìm niềm thương nơi ngàn phương. Là cuộc hành trình đi tìm lại hình bóng, tìm lại những ân tình của xưa cũ. Nhưng đó là một hành trình tìm kiếm trong vô định, không có lối ra vì dù đã biết trước là “hoa nào mà không phôi pha sắc hương” mà Tôi vẫn cứ cố chấp tiếp tục kiếm tìm “lê đôi gót trên khắp chốn ngàn phương”.

Và khi Tôi chấp nhận sự thật là “dĩ vãng tìm đâu thấy, như bóng mây chiều đang lững lờ theo gió bay” thì Tôi đã cố gắng xóa đi ân tình xưa ấy trong tim mình, để mà phần nào quên đi những đắng cay mà mình đã mang theo bấy lâu nay. Tôi cũng muốn nhắn nhủ cùng Anh, cùng mọi người đừng như Tôi. Đừng “mãi phong trần để đi tìm hương cố nhân” mà hãy dừng lại bước chân mệt nhoài “để tìm về nơi bến mơ” của cuộc đời mình.

Dĩ vãng tìm đâu thấy
như bóng mây chiều đang lững lờ theo gió bay.
Cố xóa tình xưa ấy
ngân tiếng tơ chùng để tìm quên hương đắng cay.

Muốn nhắn nhủ thời gian
ai mãi phong trần để đi tìm hương cố nhân.
Áo trắng màu sương gió
ngưng gót xuôi ngược để tìm về nơi bến mơ.

Quán nửa khuya bạn, tôi chia tay nhé!
Nhớ nhau chăng là mỗi lúc đêm về,
siết chặt tay để ghi phút phân kỳ, tiễn người đi.
Sa trường anh lại đi vui gió sương.
Sông hồ gợi trong tôi bao luyến thương.
Tôi ghi nhớ giây phút ấy nào nguôi bạn đường ơi!

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Quán Nửa Khuya" Trình bày: Thanh Thuý (thu âm trước 1975)

Bấm vào để nghe ca khúc "Quán Nửa Khuya" Trình bày: Thanh Thuý (thu âm trước 1975)

 

Cuộc gặp gỡ cùng với “câu chuyện tâm tình vui theo khói bay tay cầm tay” của Anh và Tôi cũng không thể kéo dài mãi được, “quán nửa khuya” cũng đã đến giờ “nghỉ ngơi”, “chia tay nhé”. Chúng ta sẽ nhớ nhau “mỗi lúc đêm về” trong cái “siết chặt tay” trong phút giây “phân kỳ” này Tôi “tiễn người đi”. Tôi mong anh lúc lên đường ra sa trường sẽ “lại đi vui gió sương”. Và giây phút này đây, giây phút Tôi và Anh gặp gỡ này Tôi sẽ luôn luôn ghi nhớ trong tâm khảm của chính mình, dù cho có bao nhiêu luyến lưu thì chúng ta cũng phải chia tay nhau mà thôi (Sông hồ gợi trong tôi bao luyến thương./ Tôi ghi nhớ giây phút ấy nào nguôi bạn đường ơi!).

Quán Nửa Khuya đã thực sự thành công ngoài mong đợi của nhạc sĩ Tuấn Khanh. Và nói vui thôi, vốn không phải là sở trường của mình, có lẽ nhạc sĩ Tuấn Khanh sẽ nghĩ rằng, quyết định đúng đắn nhất khi chuyển sang dòng nhạc vàng phổ thông này chính là trao gửi niềm tin vào nhạc sĩ “nhà nghề” trong dòng nhạc này - nhạc sĩ Hoài Linh.