Hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa ca khúc "Ai Nhớ Chăng Ai" - Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ viết cho mối tình đầu đầy đau thương của mình _ Xưa

Ai Nhớ Chăng Ai là một trong những ca khúc đầu tay của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, được ông viết vào khoảng giữa thập niên những năm 1950. Đây là bài hát ông viết để nhắc nhớ về mối tình đầu khắc cốt ghi tâm của mình nơi chiến khu, nơi mà ông và cô ấy đã có một quãng thời gian hạnh phúc bên nhau.

Có lẽ đó là quãng thời gian mà nhạc sĩ sẽ luôn ghi nhớ đến hết cả cuộc đời. Đó là vào khoảng năm 1948, lúc ông đang theo học trường Huỳnh Thúc Kháng ở Hà Tĩnh để hoàn thành nốt chương trình phổ thông mà ông đã bỏ dở khi theo chân đoàn văn nghệ Quảng Trị tham gia kháng chiến. Tại đây ông đã gặp gỡ bà Trương Tân Nhân, định mệnh của cuộc đời ông. Vì hai người có cùng quê nên rất nhanh đã trở nên thân thiết, và yêu nhau lúc nào không hay. Đây cũng là mối tình đầu khắc cốt ghi tâm và cũng đầy trái ngang của cả hai người trong tình thế loạn lạc.

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ

Họ cứ yêu nhau như thế cho đến một ngày của năm 1951, trong lúc Hoàng Thi Thơ trở lại quê nhà thăm gia đình thì hai người bị mất liên lạc. Vì thời thế loạn lạc, ông không thể trở lại chiến khu nữa, nên hai người cũng từ đó chia xa. Và ông trăm ngàn lần ông cũng không ngờ tới được, người ông bỏ lại không chỉ là người yêu khắc cốt ghi tâm, mà còn có đứa con đầu lòng chưa thành hình mà ông chưa kịp biết đến.

Ai nhớ chăng ai
Ai nhớ chăng những chiều
Có người em gái qua bên thềm
Tiếng hò xao xuyến trăng đầu ghềnh
Nhạc rừng nghe buồn mông mênh
Và ngàn tia lửa ấm chơi vơi dưới trăng êm đềm

Từng câu ca vang lên như mang theo cả ngàn nỗi nhớ. Ông nhớ từng buổi chiều, có người em gái qua ngang thềm, làm cho tâm hồn ông ngân lên từng khúc nhạc, như được thắp lên tia lửa ấm nơi cõi lòng đang lạnh lẽo. Và những ngày sau đó, là những ngày hạnh phúc mà ông không bao giờ có thể quên được. Dù chỉ là những ngày khốn khó, chỉ toàn “rau cháo với dưa cà”. Nhưng mà niềm vui thì không lúc nào không có. Tình cảm của hai người càng ngày càng thắm thiết, mặn nồng. Họ thấy đời như tràn ngập từng câu ca, tiếng nhạc, thấy tình yêu của hai người càng ngày càng “bao la” và luôn luôn sống trong sự chan hòa.

Ai nhớ chăng ai
Ai nhớ chăng những ngày
Những ngày rau cháo với dưa cà
Quê nghèo vui sống trong mặn mà
Đời vang lên ngàn câu ca
Mà tình thấy càng bao la
Ngàn lòng như chan hòa

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Ai Nhớ Chăng Ai" Trình bày: Thanh Tuyền (thu âm trước 1975)

Bấm vào để nghe "Ai Nhớ Chăng Ai" Trình bày: Thanh Tuyền (thu âm trước 1975)

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Ai Nhớ Chăng Ai" Trình bày: Duy Khánh

Bấm vào để nghe "Ai Nhớ Chăng Ai" Trình bày: Duy Khánh

Ông nhớ những buổi chiều, hai người cùng nhau hẹn hò. Khi đó, cả trời xanh, cùng cảnh vật như đang tươi vui cùng ánh mắt thắm đượm tình của hai người. Chỉ cần nhìn nhau thôi là họ đã hiểu lòng nhau, và thấy tình “càng ăn sâu” trong tâm hồn của họ. 

Ai nhớ chăng ai
Ai nhớ chăng những chiều
Những chiều gặp gỡ nhau trên cầu
Nước trời xanh ngắt in một màu
Lặng nhìn nhau hồi lâu lâu
Rồi tình ta càng ăn sâu
Sâu mối duyên ban đầu

Ai nhớ chăng ai
Ai nhớ chăng hôm nào
Hôm nào mưa rớt trên sông dài
Trên đồng em tiễn anh một chiều
Chiều chia ly còn chưa phai
Trời buồn khóc giùm duyên ai
Giọt lệ tuôn ngắn dài

Và ông cũng nhớ đến cái giây phút định mệnh ấy, cái ngày mà ông rời nơi đây. Cái ngày mà “mưa rớt trên sông dài”, ướt như là cõi lòng của hai người trong giờ phút chia ly. Giờ phút ấy chưa bao giờ phai nhạt trong tâm trí của ông. Cái ngày mà cả ông trời cũng phải “khóc giùm” cho mối duyên của hai người. Cứ ngỡ là chia ly vài ngày, vài tháng sẽ lại được trùng phùng, không thể ngờ rằng một lần chia ly lại ngàn vạn ngày cách xa như thế. Đúng là dòng đời trái ngang.

Vậy nên mới có một cái nhớ xao xuyến lòng người đến như thế này. Nhớ trong khắc khoải, trong bi thương, và trong cả sự vô vọng. Nhưng cho dù vậy thì “ngàn đời tôi còn nhớ, ngàn đời tôi nào quên”. Nhớ cái phút chia tay định mệnh ấy và nhớ người con gái đã dừng chân lại nơi bến tâm hồn ông.

Nhớ vô vàn . . .
Nhớ muôn ngàn
Ngàn đời tôi còn nhớ
Ngàn đời tôi nào quên
Quên quên sau bao nhiêu
Phút xa xưa êm đềm

Nhớ vô vàn . . .
Nhớ muôn ngàn
Ngàn đời tôi còn nhớ
Ngàn đời tôi nào quên
Bao nhiêu con người dừng chân trên bến tâm hồn

Những hình ảnh trong những lời nhạc ở đoạn cuối cùng của bài hát, là những hình ảnh vô cùng quen thuộc. Hình ảnh người mẹ già tần tảo, và bầy em nhỏ đang ríu rít. Có lẽ đây là những gì còn sót lại trong ông hiện giờ, là cả bầu trời ông đang có.Và là niềm an ủi nhỏ nhoi khi ông đã mất đi “những gì tha thiết nhất trong đời”, mất đi “những gì không nói nên bằng lời”, mất đi những thứ mà khiến con tim ông từng ngày phải chơi vơi, từng ngày tìm kiếm trong nỗi nhớ vô vọng.

Ai nhớ chăng ai
Ai nhớ chăng khói chiều
Khói chiều vương vấn mái tranh nghèo
Có bầy em bé reo ngoài vườn
Mẹ già tóc bạc như sương
Nợ đời uốn còng đôi vai
Xương đớn đau trăm đường

Ai nhớ chăng ai
Ai nhớ chăng những gì
Những gì tha thiết nhất trong đời
Những gì không nói nên bằng lời
Mà tim ta thì chơi vơi
Mà hồn ta tìm nơi nơi
Mà lòng ta nhớ đời

Sau một thời gian mất liên lạc, ông cũng đã lập gia đình với ca sĩ Thúy Nga vào năm 1957. Một thời gian sau, cứ ngỡ ông sẽ được gặp lại bà trong một lần hai người cùng hai đoàn văn nghệ đi lưu diễn ở hội chợ quốc tế That Luang. Nhưng trong khi ông cố tình tìm kiếm, thì bà lại cố tình lẩn trốn (có lẽ vì biết ông đã có gia đình nên bà cũng không muốn làm ông khó xử, và cả bản thân mình cũng khó xử). Nhưng sau đó, ông cũng được thỏa ước nguyện là được gặp lại bà một lần, nhờ có sự sắp xếp của người con của hai người mà sau này ông mới được biết đến. Đó là cuộc gặp gỡ đầy tự trọng của hai con người có tình sau bao sóng gió cuộc đời mà đã có hai con đường đi riêng.

Có lẽ đến cuối đời, không ai trong họ có thể quên được những cảm xúc ngày đó đã dành cho nhau. Nhưng họ sẽ mãi cất sâu trong cõi lòng, và hẹn nhau lại kiếp sau nếu có cho họ gặp nhau chỉ cầu được toàn vẹn ước mong.